Triển khai cấp bách nhiều giải pháp chống ngập

Theo nhận định của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, mùa mưa năm nay trên địa bàn TP còn hơn 18 điểm ngập. 
Sau 18 giờ ngày 7-5, đường số 10 Bình Hưng, quận 8, TPHCM vẫn còn ngập. Ảnh: Cao Thăng
Sau 18 giờ ngày 7-5, đường số 10 Bình Hưng, quận 8, TPHCM vẫn còn ngập. Ảnh: Cao Thăng
Tuy nhiên, chỉ mới vài cơn mưa chuyển mùa đã gây ngập nhiều nơi. Điều này khiến người dân TP lo ngại tình trạng ngập có thể xảy ra nhiều hơn trên địa bàn TP khi mùa mưa đang đến.

Vẫn còn 18 điểm ngập nếu mưa to

Liên tục những ngày qua, trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, gây ngập nhiều tuyến đường ở những khu vực trũng do hệ thống cống thoát nước chưa có, hoặc có nhưng đã xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu thoát nước. Theo phần mềm cảnh báo ngập nước của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, cơn mưa chiều 7 và 8-5, khu vực giao nhau giữa đường Tô Ngọc Vân và Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) bị ngập hơn 30cm khiến các phương tiện giao thông qua lại khó khăn. Trong khi đó, đường Lê Văn Việt đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Lê Lợi (quận 9) bị ngập gần 30cm. Tương tự, đường Lã Xuân Oai (đoạn từ đường Man Thiện đến đường 379) bị ngập nặng gần 50cm, xe máy không thể qua lại đoạn đường này. 
Triển khai cấp bách nhiều giải pháp chống ngập ảnh 1 Khu dân cư hẻm 688 Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp, ngập nặng sau cơn mưa đầu mùa.  Ảnh: Lê Dũng
 Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (TTCN), đến nay đã xử lý được 22/40 điểm ngập bằng giải pháp công trình, 18 điểm còn lại đang triển khai các dự án. Do vậy, TPHCM vẫn còn khả năng ngập nếu mưa to ở 18 điểm này, gồm: đường Huỳnh Tấn Phát, Tân Quý (quận 7), Lê Đức Thọ, Quang Trung (quận Gò Vấp), Bạch Đằng, Hồ Học Lãm, QL13, Kha Vạn Cân, QL1 (Bình Tân, Bình Chánh), Ba Vân, Mai Thị Lựu, Bàu Cát, Trương Công Định (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, khu vực Văn Thánh (quận Bình Thạnh), khu Thảo Điền, Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Xa lộ Hà Nội (đoạn qua cầu Rạch Chiếc) thuộc quận 9; Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam… Ngoài ra, còn có hơn 50 vị trí trên các kênh rạch và 88 tuyến cống với tổng chiều dài hơn 13km, 97 hầm ga và 51 vị trí cửa xả các tuyến cống ra kênh rạch bị lấn chiếm cũng có thể gây ngập khi có mưa lớn. 
Dự án chống ngập chưa xong Nhằm giảm thiểu tình trạng ngập trong mùa mưa năm nay, TTCN đang nỗ lực hoàn thành các dự án giải quyết 8 điểm ngập gồm Mễ Cốc 2 (quận 8), Lưu Hữu Phước 2, Lương Định Của (quận 2), Tôn Thất Hiệp, Hồ Văn Tư (quận 11), Trương Vĩnh Ký (Tân Phú), An Dương Vương (từ Tân Hòa Đông đến Bà Hom, quận 6), Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ giải quyết 13/21 tuyến đường ngập, còn 3 tuyến đường QL1A, QL13 và Hồ Học Lãm sẽ giải quyết sau năm 2020.  TTCN cũng triển khai công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước tại các vị trí thường xuyên bị ngập. Tính đến tháng 3-2018 đã nạo vét được 309,492km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 10 tuyến (3,329km) kênh rạch và cửa xả, sửa chữa hầm ga, thay cống bị xuống cấp có khả năng sụp, mở rộng miệng thu nước, nạo vét hầm ga… Ngoài ra, thành phố cũng đang thí điểm dịch vụ thuê vận hành máy bơm (công suất từ 27.000 - 96.000m3/giờ) của Công ty Quang Trung để giải quyết ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh trong năm 2018.  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở ngành liên quan phải chủ động chống ngập khi mùa mưa đang đến gần; tránh tình trạng ngập liên miên gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhiều chuyên gia chuyên về thoát nước cho rằng, mưa lớn gặp triều cường khiến nước ngoài kênh rạch tràn ngược vào hệ thống cống, trào ngược lên đường gây ngập. Vì vậy, công tác khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án, các vị trí lấn chiếm kênh rạch, tuyến cống, hầm ga, cửa xả bị lấn chiếm… cần tập trung xử lý rốt ráo, dứt điểm để không làm ách tắc dòng chảy. Sau mấy cơn mưa đầu mùa, TTCN đã cho vận hành 26 trạm bơm với 56 máy có công suất từ 168 - 84.000m3/giờ bơm khi có mưa, triều cường (tổng công suất 302.880m3/giờ); vận hành 1.077 van ngăn triều; cống kiểm soát triều như Bình Lợi, Bình Triệu, Rạch Lãng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đồng thời tổ chức trực và ứng cứu khi xuất hiện tình trạng ngập nặng.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ngưng thi công
TPHCM bước vào mùa mưa nhưng dự án chống ngập do triều cường triển khai thi công mới được khoảng 75% đã thông báo tạm dừng thi công từ ngày 27-4 để chờ các thủ tục liên quan. 

Theo Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group - chủ đầu tư dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1), sở dĩ tạm dừng thi công là do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Nam Sài Gòn đã ngừng giải ngân cho dự án, do UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Thời gian tạm ngưng thi công từ cuối tháng 4-2018 cho đến khi ngân hàng và TPHCM hoàn thành thủ tục xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM được khởi công từ tháng 6-2016. Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40 - 160m  là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Ngoài ra, dự án chống ngập do triều còn có hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến Sông Kinh) dài 7,8km, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ từ 1 - 10m. Với mục tiêu chống ngập cho lưu vực rộng 570km² của TPHCM, dự án dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4 năm nay, song đã không hoàn thành đúng tiến độ như kế hoạch ban đầu vì các địa phương chậm bàn giao mặt bằng. 

Tin cùng chuyên mục