Trị bệnh “làm giả, ăn thật”

Ở nước ta, chuyện công trình mới làm xong đã hỏng không còn lạ. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng chỉ 1 tháng đã chi chít ổ gà. Quốc lộ 1 chạy qua tỉnh Phú Yên khai thác chưa lâu đã lõm nhiều chỗ. Cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh - Hải Phòng đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng vừa thông xe đã sụt lún.

Chuyện buồn trong xây dựng

Đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn huyện Chư Sê (Gia Lai) có vốn đầu tư 250 tỷ đồng, khởi công từ giữa tháng 5-2018, hoàn thành vào tháng 6-2019; chưa được 3 tháng đã nứt toác, biến dạng mặt đường gần 200m, hở rộng nhiều đoạn hơn 0,5m, nhiều nơi hở sâu khoảng 1m.

Thế nhưng nhà thầu xây lắp vẫn khẳng định thi công đảm bảo chất lượng, còn dẫn chứng là “Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu”. Đáng chú ý, ngoài các vị trí mặt đường nứt toác bị đổ lỗi cho… thời tiết, nhiều chỗ trước đó hư hỏng trầm trọng lại chỉ được khắc phục bằng trám trét xi măng. Lẽ ra nhà thầu phải khắc phục triệt để, bóc bỏ hết phần hỏng để làm lại, lu lèn đạt độ chặt thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình thi công.

Trị bệnh “làm giả, ăn thật” ảnh 1 Đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn huyện Chư Sê (Gia Lai) mới hoàn thành chưa được 3 tháng đã nứt toác. Ảnh: TIỀN LÊ

Bệnh “làm giả ăn thật” khá phổ biến trong ngành xây dựng cơ bản nước ta, không biết bao công trình kém chất lượng vẫn được nghiệm thu, thanh toán; cắt băng khánh thành xong thì chưa bao lâu đã xuống cấp trầm trọng; xử lý chống dột cầu, hầm bằng keo dán; khắc phục hư hỏng trầm trọng mặt đường bằng cách trám trét qua loa chiếu lệ.

Sửa chữa thì đập bỏ hạng mục còn tốt để làm mới, nhằm tăng dự toán. Tu bổ lề đường lại vứt đi những phiến đá xanh tự nhiên chắc chắn để thay vào phần bê tông khuôn đúc vô hồn. Đó là những chuyện buồn trong lĩnh vực xây dựng và còn là nỗi đau với người dân nộp thuế.

Trách nhiệm các bên liên quan về chất lượng công trình đã được quy định rõ tại Điều 4 Nghị định 46/2015/NĐ-CP. Theo đó, các chủ thể gồm nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình… phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện.

Vì vậy, muốn xử lý trách nhiệm các bên liên quan, mà cụ thể là tổ chức và cá nhân, thì phải xác định được nguyên nhân, lỗi ở đâu. Công trình kém chất lượng, mắt thường nhìn cũng thấy nhưng lại đổ lỗi khách quan tại thời tiết như gió bão, mưa lớn. Thành ra, không ai chịu trách nhiệm nên hiếm khi bị xử lý và các sai phạm lại tái diễn.

Trong lĩnh vực xây dựng, hầu hết người trong ngành đều biết, lo nhất là cách thức tổ chức thực hiện. Đấu thầu lắm khi là “giả”, còn thực sự đã bố trí nhà thầu thi công. Một khi trúng thầu không vì năng lực mà chỉ giỏi “quan hệ”, “chạy chọt”, “chung chi”, kéo theo đó là chỉ quan tâm công trình sớm hoàn thành để thanh toán, làm ẩu nên không tuân thủ quy trình thi công. Sau đó, công trình hư hỏng thì viện dẫn lý do khách quan để sử dụng nguồn vốn ngân sách sửa chữa khắc phục.

Công trình mới làm xong đã hư hỏng, khắc phục càng tốn kém, tăng chi phí mà không tạo ra giá trị hữu ích, không tương xứng với vốn đầu tư chi ra. Đó còn là căn bệnh “làm giả ăn thật”, xem thường tính mạng người đi đường, thực tế đã xảy ra không biết bao vụ tai nạn thương tâm chết người.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Xây dựng công trình kém chất lượng, không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn đánh mất đạo đức và niềm tin, dẫn đến hệ thống các giá trị và chuẩn mực xã hội bị lệch chuẩn. Thực tế có tình trạng coi trọng các mối quan hệ thân quen hơn là ý thức pháp luật; trong công việc, không xét người đó có năng lực gì, mà chỉ quan tâm giữ chức vụ gì và thân thiết với ai chức cao quyền rộng. Đây còn là nguyên nhân tiềm ẩn tình trạng suy thoái nhân cách.

Nếu sai phạm không bị nghiêm trị, dần dà sẽ trở thành điều bình thường, thành chuyện đương nhiên trong nhận thức xã hội. Trong lĩnh vực xây dựng, chất lượng công trình cần được đặt lên hàng đầu, công tác quản lý phải xuyên suốt có tính hệ thống, không thể trông đợi sự tự giác của các bên liên quan.

Vai trò quản lý nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt sự tuân thủ pháp luật và chất lượng công trình xây dựng. Mạnh tay xử lý các tổ chức và cá nhân làm ăn gian dối. Đấu thầu xây lắp là yếu tố quan trọng tạo ra sự cạnh tranh, đem lại hiệu quả thực hiện đầu tư, chất lượng thi công xây dựng. Để chọn nhà thầu tốt nhất, phải cạnh tranh công bằng. Khâu tổ chức thực hiện phải minh bạch, có cơ chế kiểm tra chéo.

Với những sai phạm ảnh hưởng chất lượng công trình, cần quy trách nhiệm cụ thể, khâu nào vi phạm phải có người chịu trách nhiệm, nhà thầu tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý nghiêm hoặc không cho tham gia thực hiện công trình khác. Bảo hành công trình không chỉ một năm mà phải tương ứng với từng dự án theo hướng kéo dài thời gian, trách nhiệm nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục