Tri ân những tấm gương thầm lặng

Tháng 11, hòa trong niềm vui chung của cả nước hướng đến kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2018), giải thưởng Võ Trường Toản do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng, phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các thầy, cô giáo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đã bước vào tuổi 21. Nhìn lại chặng đường đã qua, giải thưởng đã tôn vinh 576 giáo viên, cán bộ quản lý - những gương mặt đại diện gần 80.000 cán bộ, nhà giáo đang ngày đêm miệt mài giáo dục thế hệ trẻ, góp phần vào sự thành công, phát triển chung của thành phố. 

Đánh giá về sức lan tỏa của giải thưởng, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai sinh thời từng xúc động nói: “Từ trước đến nay, TPHCM có nhiều giải thưởng nhưng chưa có giải thưởng cụ thể cho người thầy. Việc lấy tên cụ Võ Trường Toản, người thầy giáo mẫu mực của đất Nam bộ đặt tên cho giải thưởng thể hiện được sự quan tâm cũng như tự hào của nhân dân thành phố trước những đóng góp thầm lặng của các thầy, cô giáo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Trên mặt trận giáo dục, các thầy cô đã lặng thầm góp nhặt từng viên gạch tri thức, dịu dàng uốn nắn từng con chữ, dạy học sinh đạo đức làm người. Từng thế hệ học sinh trưởng thành, có người nhớ và quay lại tri ân, song cũng có người mê mải tìm những bờ bến mới. Nhưng không vì thế người thầy mất đi chỗ đứng của mình, với ngọn lửa đam mê và lòng nhiệt huyết. Ở đâu có học sinh giỏi, ở đó có người thầy tận tâm.

Nhớ lại năm học 1998-1999, năm đầu tiên giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức. Dù với quy mô cấp thành phố, giải thưởng chỉ dừng ở phạm vi các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Từ năm thứ 2 trở đi, ban tổ chức đã quyết định mở rộng thêm khối mầm non, giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp. Đến nay, sau 20 lần tổ chức, giải thưởng đã tạo được tiếng vang lớn trong xã hội, nhất là trong dư luận giáo giới và các bậc cha mẹ học sinh. Hàng năm, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản đã trở thành ngày hội lớn của ngành giáo dục. Không chỉ được tôn vinh, giải thưởng còn là dịp để các thầy, cô giáo giao lưu, chia sẻ tâm tư, tình cảm, đồng thời chứng minh được sự thay đổi lớn của xã hội trong cách nhìn về vai trò, vị trí của người thầy, đề cao tinh thần “tôn sư trọng đạo”. 

Năm nay, giải thưởng vẫn bình chọn trên 3 tiêu chí: thành tích cá nhân của các thầy, cô giáo dựa trên hiệu suất đào tạo học sinh; yếu tố thâm niên cũng như bề dày các danh hiệu thành tích, sáng kiến kinh nghiệm; được đồng nghiệp và xã hội tín nhiệm. Đối với 3 bậc mầm non, tiểu học và THCS, các quận, huyện xét chọn từ cấp cơ sở, chọn 1 nhà giáo xuất sắc nhất ở mỗi bậc học. Riêng đối với bậc THPT, mỗi trường học chọn 1 giáo viên xuất sắc và gửi danh sách về Sở GD-ĐT TPHCM. Sau khi được các phòng, ban chuyên môn của sở xem xét, lựa chọn, danh sách sẽ một lần nữa thông qua hội đồng xét duyệt của ngành do giám đốc sở chủ trì để quyết định thông qua. 

50 cán bộ quản lý, giáo viên được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018 là 50 tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự hy sinh, tận tụy. Trong đó, có những thầy, cô đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn thường nhật, dành trọn tâm huyết cho nghề, hết lòng giúp đỡ, dìu dắt từng thế hệ học sinh khôn lớn. Có những cô giáo gác lại thiên chức làm mẹ, can đảm nhận công tác ở xã đảo xa xôi. Có những thầy giáo mỗi ngày vượt quãng đường hơn 30 cây số để bám trường, bám lớp. Tiếp xúc với các thầy, cô, chúng tôi lặng người trước những câu chuyện góp nhặt từng đồng lương ít ỏi để đóng học phí, mua từng cái quần, cái áo, thậm chí chia đôi gói xôi vừa mua buổi sáng với học trò. Có trường hợp học sinh trong lớp vừa mất mẹ, cô giáo đóng luôn 2 vai trò dạy dỗ trên lớp và chăm sóc em sau giờ tan học như người thân trong gia đình. Kể cả khi cầm giấy khám sức khỏe trên tay, mệt mỏi về thể xác vẫn không ngăn được bước chân các thầy, cô đều đặn đến lớp. Bởi chỉ cần mỗi ngày được tiếp xúc với học trò, được nghe những câu ê a tập đánh vần, đồng hành trong từng tiến bộ của học sinh, được nghe các em gọi thân thương 2 tiếng “thầy”, “cô” thì mọi mệt mỏi đều tan biến. Ở đó, người làm thầy có sự hòa quyện tính nghiêm khắc của người cha, sự bao dung của người mẹ, cả những ân cần, dịu dàng chia sẻ của người bạn tri kỷ; sẵn sàng vui cùng niềm vui của học sinh, buồn cùng những áp lực, khó khăn các em gặp phải trong cuộc sống. 

Xã hội ngày càng phát triển, mối quan hệ thầy, trò đã có nhiều thay đổi nhưng hình ảnh người thầy vẫn là điểm tựa vững chắc, góp phần quan trọng vào sự thành công của học trò. Ngoài tình thương và sự nhiệt tình cống hiến, người thầy trong thời đại 4.0 còn phải nỗ lực không ngừng học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới trong giảng dạy và quản lý. Yêu cầu đó vừa là động lực nhưng đồng thời cũng là thử thách, giúp mỗi người giáo viên ý thức được việc phải chuyển mình, hòa nhập vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, đưa giáo dục Việt Nam tiệm cận gần hơn với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

21 lần tổ chức, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên được trao thưởng hàng năm tăng lên đã chứng tỏ được sức lan tỏa của giải thưởng, trở thành nguồn khích lệ tinh thần to lớn, động viên các thầy, cô tiếp tục an tâm cống hiến. Bằng sự nhẫn nại, bền bỉ và cả cái tâm trong sáng, các thầy, cô đã và đang thực hiện sứ mạng chân chính là đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò. Để rồi mỗi năm từng lứa học trò qua đi sẽ thêm một mùa bội thu “trái ngọt”. Và, ẩn sâu trong những thành công đó là nụ cười, tâm huyết, cả những giọt mồ hôi, nước mắt của người thầy…

Tin cùng chuyên mục