Tri ân đồng đội

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tiếng gọi “đồng đội ơi” vẫn đêm ngày thôi thúc những bộ đội Cụ Hồ năm xưa cơm đùm, gạo bới, băng rừng, lội suối đi tìm và đưa hài cốt đồng đội về với đất mẹ.
Ông Võ Văn Lâm cùng cán bộ, chiến sĩ Thị đội Hương Thủy tìm hài cốt liệt sĩ
Ông Võ Văn Lâm cùng cán bộ, chiến sĩ Thị đội Hương Thủy tìm hài cốt liệt sĩ

Cầm sổ đỏ vay tiền tìm hài cốt đồng đội

Trong ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa xóm Hưng Trung (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Hĩnh), người cựu chiến binh Nguyễn Như Trinh nhớ lại, tháng 6-1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và làm trinh sát quân báo của Tổng cục Tình báo (Bộ Quốc phòng). Nhiệm vụ chính của ông là đột nhập vào trong lòng địch để vẽ lại các sơ đồ cứ điểm của quân địch trên địa bàn Đồng Nai, Tây Ninh…, sau đó báo về cho các đơn vị quân đoàn tổ chức lực lượng đánh địch. 

Rời quân ngũ trở về quê với tỷ lệ thương tật 35% và nhiễm chất độc hóa học tỷ lệ 55%, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương trong người ông Trinh lại tái phát, đau ê ẩm. Dù phải đi bệnh viện chạy chữa nhiều lần, nhưng hễ cứ thấy trong người khỏe lại là ông lập tức tiếp tục thực hiện tâm nguyện đền ơn đáp nghĩa. “Đêm nào tui cũng trằn trọc nghĩ về hình ảnh những đồng đội, đồng chí mình đang nằm lạnh lẽo lẩn khuất ở đâu đó dưới lòng đất tại các chiến trường… Tôi suy nghĩ, chừng nào mình còn sức khỏe thì phải cố gắng hết sức đi tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ, giúp làm nhà tình nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát, khó khăn trong cuộc sống cho gia đình thân nhân các liệt sĩ, đồng đội. Có như vậy, tôi mới cảm thấy yên lòng được”, ông Trinh tâm sự.

Từ những suy nghĩ ấy, năm 2006 ông Trinh xin thành lập và làm Trưởng Ban liên lạc tình nghĩa tình báo ở Hà Tĩnh, tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa gia đình chính sách, có công với cách mạng, giúp đỡ những người lính sau xuất ngũ ổn định cuộc sống, tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tình báo bị mất tích… 

Ngày 2-4-2007, ông Trinh bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ đồng đội khắp các chiến trường ở Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, Campuchia… Để có tiền làm lộ phí đi đường, ông Trinh đã phải bán nhiều tài sản, thậm chí còn “cầm” cả sổ thương binh, sổ đỏ để vay tiền. Sau này, cảm kích trước những việc làm cao cả của ông, một số nhà hảo tâm, doanh nghiệp, ngân hàng đã hỗ trợ để ông có thêm lộ phí, nên cũng đỡ được phần nào. Ông Trinh không những tìm thấy và cất bốc được 47 hài cốt liệt sĩ mà còn vận động kinh phí xây dựng được 9 nhà tình nghĩa cho các hộ chính sách khó khăn. Nay ông vẫn miệt mài với công việc ấy như mệnh lệnh từ trái tim của người lính Cụ Hồ để tri ân đồng đội.

Không chỉ làm kinh tế giỏi với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, ông Võ Văn Lâm (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) còn thường xuyên hỗ trợ địa phương, gia đình liệt sĩ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ông Lâm liên tục trở lại chiến trường xưa cùng đồng đội tìm kiếm được hơn 50 hài cốt liệt sĩ là những người đồng đội mà ông đã tự tay chôn cất năm xưa, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Ông Lâm đã 4 lần được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú… Năm 2007, ông được khen thưởng tại Đại hội Toàn quốc tôn vinh “Thương binh tàn mà không phế”. Ông bảo: “Bản thân tuổi đã cao, vết thương chiến tranh trên người thường xuyên tái phát, lại còn phải phải trèo đèo, lội suối trong rừng thiêng, nước độc… Nhiều lúc tưởng sẽ gục ngã, nhưng cứ nghĩ đến đồng đội đang nằm lạnh lẽo đâu đó, lại trấn an tinh thần bằng mọi giá phải tìm cho được”. 

Ông Lâm chia sẻ: “Cứ nghĩ mình trực tiếp chôn cất thì sẽ tìm ra sớm, nhưng thời gian làm thay đổi địa hình, rất khó xác định vị trí nấm mồ. Hơn một tháng đào bới nhiều địa điểm trong rừng, tôi mới tìm thấy hài cốt đồng đội dưới những gốc cây khô để đưa về an táng”. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thủy Phương nhìn nhận, cựu chiến binh Võ Văn Lâm không những tích cực tham gia các công tác, phong trào tại địa phương, nhiệt huyết đi tìm hài cốt liệt sĩ, mà còn là một điển hình về người lính Cụ Hồ không khuất phục nghèo đói, đi lên từ hai bàn tay trắng, đáng để thế hệ trẻ noi theo.

Chăm lo tương lai 

Nắng như nung của những ngày trung tuần tháng 7 như dịu đi khi đứng ven khu đồi bạt ngàn cao su của người cựu chiến binh Trần Trọng Dương (thôn 9, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế). Khuôn mặt đen sạm vì nắng gió không che được nét hồ hởi trên khuôn mặt, ông Dương cười nói: “Hơn 3ha cao su này chính là nguồn sống, giúp vợ chồng tui nuôi đàn con ăn học tử tế”. Tháng 7-1979, như bao bạn bè trang lứa, ông tự nguyện lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ tại Quân khu 4. Sáu năm sau, ông xuất ngũ và chọn vùng đất miền núi Nam Đông lập nghiệp. “Ban đầu, do đường sá đi lại khó khăn, lại không thông thuộc địa bàn và bất đồng ngôn ngữ với đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, công việc của ông gặp nhiều khó khăn. Nhưng đó lại là quãng thời gian thử thách lớn nhất kể từ khi rời quân ngũ về với đời thường.

“Lúc mới lên vùng núi này lập nghiệp, tui xin vào làm việc tại nông trường chè, năm 1997 nông trường chè chuyển đổi thành nông trường cao su, tui chuyển sang trồng cây cao su. Biết rõ cây cao su là cây trồng kinh tế chủ lực ở vùng đất khô hạn nơi đây, vợ chồng tui đã ra sức phát quang đồi núi, mở rộng diện tích. Nhờ thu nhập từ việc bán mủ mà đời sống của gia đình có phần khấm khá hơn trước rất nhiều”, ông Dương chia sẻ. 

Ngoài việc chú tâm phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Dương còn tích cực tham gia các phong trào, góp sức xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Tháng 6-2010, khi xã Hương Hòa được tỉnh Thừa Thiên - Huế chọn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Dương đã quyết định tiên phong hiến 400m2 đất và hàng chục ngày công làm đường dân sinh. Tiếp đó, UBND xã Hương Hòa phát động phong trào người dân hiến đất xây dựng nghĩa trang nhân dân, ông Dương không chần chừ quyết định hiến tặng 10.000m2 đất trên vườn đồi của gia đình. “Nếu khu đất này gia đình trồng cao su thì bình quân mỗi năm sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, nhưng tui nghĩ, mình hiến tặng mảnh đất này để làm nghĩa trang thì có ý nghĩa nhân văn hơn. Giúp người dân địa phương có nơi mai táng người chết đàng hoàng, chấm dứt cảnh chôn cất tùy tiện như những năm về trước”, ông Dương thật thà chia sẻ. 

Ghi nhận công lao của ông, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tặng người cựu chiến binh Trần Trọng Dương bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục