Tranh Việt xuất hiện trên sàn quốc tế

Theo kế hoạch cuối tháng 9 và đầu tháng 10, tranh Việt sẽ liên tục xuất hiện tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong. 
Bức La Famille ký tên Lê Phổ tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đang đối mặt nghi vấn tranh giả
Bức La Famille ký tên Lê Phổ tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đang đối mặt nghi vấn tranh giả
Lùm xùm tranh tác giả 
Trong khuôn khổ phiên đấu có tên Modern and Contemporary art (Nghệ thuật hiện đại và đương đại) diễn ra lúc 17 giờ ngày 30-9, Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong giới thiệu phiên bán các “Kiệt tác hiện đại từ phương Đông và phương Tây”.
Trong số 73 lô hàng đấu giá, có 3 tác phẩm được đề tên họa sĩ Việt Nam là Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí và Phạm Hậu.
Bức tranh đề tác giả Lê Phổ có số lô đấu giá là 1027, tên tranh là La Famille, được giới thiệu vẽ khoảng năm 1938 - 1940, kích thước 63 x 46cm, chất liệu mực in và gouache trên lụa - thuộc dòng tranh đắt giá của Lê Phổ.
Nhà Sotheby’s Hong Kong đưa ra giá khởi điểm 1,5 - 2,5 triệu HKD (khoảng 4,3 - 7,1 tỷ đồng). Mức giá này thuộc nhóm tranh có giá khởi điểm cao nhất của Lê Phổ từng đấu giá.
Tuy nhiên, mới đây một số người trong giới hội họa Việt Nam đã phát hiện ra điểm bất thường trong bức tranh được đề tên Lê Phổ có trong catalogue này của Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong. Bức tranh thể hiện người phụ nữ rất kỳ dị vì có hai bàn tay trái và một số chi tiết kém tinh tế so với tranh của danh họa Lê Phổ.
Nhà sưu tầm, đầu tư nghệ thuật Nguyễn Đức Tiến đã viết thư gửi nhà đấu giá, thắc mắc về chi tiết này và nguồn gốc của bức tranh.
Mới đây, Sotheby’s Hong Kong có thư phản hồi. Giải đáp về nguồn gốc xuất xứ của lô hiện vật mã số 1027, đại diện Sotheby’s Hong Kong khẳng định, tranh này được mua từ gallery Romanet của người chủ cũ tại Pháp, sau đó chuyển giao cho người chủ mới và hiện tại thuộc sở hữu của một bộ sưu tập tư nhân ở châu Á.
Về chi tiết người phụ nữ trong tranh có hai bàn tay trái, ông Tiến vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Theo nhận định của giới nghệ thuật trong nước, màu sắc và bố cục tranh khá tương đồng với những bức vẽ về thiếu nữ và gia đình của họa sĩ Lê Phổ. Tuy nhiên, tác phẩm đứng tên một danh họa thuộc loại bậc thầy như Lê Phổ thì việc mắc lỗi sai hình họa cơ bản là điều không thể. Thứ hai, cánh tay nhân vật trong bức này (cánh tay người phụ nữ ôm con, cánh tay đứa trẻ ôm mẹ) cũng không giống cách vẽ của Lê Phổ trong những tác phẩm đã bán đấu giá quốc tế.
Giới nghệ thuật trong nước vẫn chưa quên sự kiện hồi đầu tháng 4 vừa rồi, khi bức tranh lụa Family life (Đời sống gia đình) của danh họa Lê Phổ đã vượt ngưỡng 1,1 triệu USD, giúp ông trở thành người giữ kỷ lục về giá tranh Việt.
Phải chăng, cuộc chiến tranh thật - tranh giả giờ đây đã xâm phạm đến những ranh giới tưởng chừng không thể? Thực hư chưa biết ra sao, nhưng sự việc ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến các nghệ sĩ Việt và cả Nhà đấu giá Sotheby’s. 
Giới nghệ thuật quan tâm
Phiên đấu giá Modern and Contemporary Southeast Asian Art (Nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á) của Nhà đấu giá Sotheby’s sẽ khai cuộc lúc 10 giờ ngày 1-10 tới tại Hong Kong (Trung Quốc).
Với 203 lô hàng, trong đó các tác phẩm liên quan đến Việt Nam có trên 50 lô. Danh họa Lê Phổ tham gia phiên đấu với tác phẩm La cueillette des Lotus (Hái sen), giá dự đoán 780.000 - 1,6 triệu HKD (99.723 - 204.560 USD, tương đương 2,2 - 4,6 tỷ đồng), là tác phẩm có giá bán ước đoán cao nhất trong phiên đấu này. Họa sĩ Lê Phổ cũng đứng đầu với tổng cộng 19 tác phẩm tham gia phiên đấu.
Phiên đấu mùa thu lần này được giới nghệ thuật đặc biệt quan tâm và công chúng chờ đón còn bởi có sự góp mặt của nhiều họa sĩ tên tuổi thuộc các thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương của Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu cùng tranh của Joseph Inguimberty (họa sư Trường Mỹ thuật Đông Dương) đều có mặt.
Một tác phẩm của Nguyễn Gia Trí trong phiên đấu đang đặc biệt thu hút sự chú ý của giới mỹ thuật Việt - tác phẩm Provincial village (Làng bản), sơn mài trên gỗ, được ghép từ 6 tấm gỗ, có tổng kích thước 93,5 x 201cm. Tranh được thực hiện vào khoảng năm 1940, được Sotheby’s đưa ra đấu với mức giá dự đoán 800.000 - 1,5 triệu HKD (102.280 - 191.775 USD, khoảng 2,3 - 4,3 tỷ đồng).
Tác phẩm khiến nhiều người quan tâm không chỉ bởi sự đồ sộ của kích thước mà còn bởi tạo hình khác lạ, mô típ sáng tác về đề tài miền núi khác với những cô gái thị thành quen thuộc thường thấy trong tranh Nguyễn Gia Trí.
Tại Việt Nam, những tác phẩm chất liệu sơn mài, kích thước tương đồng của Nguyễn Gia Trí đã được xếp hạng bảo vật quốc gia, như Vườn xuân Trung Nam Bắc, Thiếu nữ trong vườn.

Tin cùng chuyên mục