Tranh Việt liên tục lên sàn

Những ngày gần đây, tranh của họa sĩ Việt Nam liên tục được giới thiệu trên các sàn đấu giá nghệ thuật. Ở thị trường trong nước, có sự góp mặt của nhiều gương mặt đương đại; tại các nhà đấu giá nghệ thuật quốc tế, cũng có không ít tác phẩm của các danh họa Việt Nam được giới sưu tầm nghệ thuật quan tâm, tìm kiếm.
Từ họa sĩ bậc thầy đến gương mặt đương đại
Phiên đấu giá nghệ thuật thứ 13 chủ đề “Say mê” của Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Hà Nội) vừa khép lại, nhưng dư âm về những bức tranh dường như vẫn còn nóng hổi.
Được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và công phu, tại phiên đấu số 13, Chọn giới thiệu đến giới thưởng lãm một bộ sưu tập ký họa của họa sĩ Đông Dương - cố họa sĩ Nguyễn Văn Bình, thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Minh.
Triển lãm cũng có sự góp mặt của một vài họa sĩ khóa kháng chiến là học trò của cố Hiệu trưởng Tô Ngọc Vân như Linh Chi và Lê Huy Hòa. Một trong những tâm điểm là bức tranh Ô quan chưởng của danh họa Bùi Xuân Phái - đánh dấu sự trở lại của gallery Đôn Thư trong phiên đấu lần này. Điểm nhấn đặc biệt của phiên đấu chính là trên 40 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Bình được đấu giá với mức giá khởi điểm là 0 đồng. 
Tranh Việt liên tục lên sàn ảnh 1 Đợi chờ (chì than trên giấy) của Nguyễn Trọng Kiệm - có mức giá khởi điểm 0 đồng tại phiên đấu ngày 24-6 của Nhà đấu giá Chọn
Họa sĩ Nguyễn Văn Bình tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XII. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là họa sĩ Báo Cứu Quốc khu IV (1947 - 1950), họa sĩ xưởng họa Liên khu IV (1950 - 1954), được đánh giá là có nhiều công lao trong sự nghiệp đào tạo mỹ thuật, là giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tức Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay) từ những năm 1955 - 1979.
Ông từng nói: “Lúc nào tôi cũng muốn trở về với hồn cốt dân tộc. Mới chỉ về được với sơn mài và giấy dó. Tôi sẽ nghiên cứu để sử dụng thêm một số chất liệu khác nữa mà chỉ Việt Nam mới có”. 
Họa sĩ Nguyễn Văn Bình để lại dấu ấn đậm nét bằng nghệ thuật tả thực. Từ niềm hân hoan về Việt Nam độc lập, chiến thắng lẫy lừng, đất nước đổi mới tới giai đoạn xây dựng đi lên, đều được ông lột tả chân thực…
“Như một món quà từ nhà đấu giá và các nhà sưu tập có tiếng, phiên đấu số 13 của chúng tôi là một cơ hội không thể tốt hơn cho những ai đang nuôi dưỡng niềm say mê đấu giá tranh nghệ thuật, đồng thời khuyến khích công chúng đến với sưu tập tranh, nhất là tranh của các họa sĩ Việt Nam”, ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc đấu giá của Nhà đấu giá Chọn chia sẻ. 
Khơi lửa tình yêu nghệ thuật 
Theo Nhà đấu giá Chọn, những tác phẩm với mức giá khởi điểm 0 đồng sẽ tiếp tục được đưa ra tại phiên đấu giá thứ 14 mang tên “Tinh hoa” sẽ diễn ra vào ngày 24-6 tới đây tại 17 Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phiên đấu 14 được dự đoán rất sôi động với 82 lot chọn lọc là những họa sĩ tên tuổi góp danh trong tứ trụ hội họa Việt Nam như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái; các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương: Trịnh Hữu Ngọc, Dương Hướng Minh và tứ trụ khóa kháng chiến là Lê Huy Hòa, Nguyễn Trọng Kiệm.
Bên cạnh đó, phiên số 14 còn đánh dấu sự trở lại của những tên tuổi: Mai Long, Lê Bá Đảng, Trần Hữu Chất; các gương mặt Lê Công Thành, Trịnh Thái, Đặng Tiến… hứa hẹn sẽ khiến người xem rung động trước tinh hoa của nghệ thuật. 
“Không rập khuôn chỉ ở giá trị vật chất, cảm xúc, “Tinh hoa” là giá trị tinh thần nuôi dưỡng chọn lọc nhất cho không khí trong lành, đời sống an yên. Nói về tinh hoa là nói về hành trình ý nghĩa tạo lập cuộc sống tích cực. Tinh hoa nghệ thuật chưa hẳn đã là bố cục ấn tượng, màu sắc sặc sỡ, đường nét hay khả năng thể hiện chất liệu khiến người xem nể phục, mà tinh hoa của hội họa, của điêu khắc hay của nghệ thuật là khiến người xem nở một nụ cười từ tận trái tim”. Đó là những thông điệp chia sẻ của Nhà đấu giá Chọn.
Trong một diễn biến khác, trên các nhà đấu quốc tế, tranh của các họa sĩ bậc thầy Việt Nam vẫn là tâm điểm, thu hút sự chú ý của giới sưu tập. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 25-6 của nhà Aguttes (Pháp), bức Piéta của danh họa Lê Phổ (sáng tác khoảng năm 1935, mực và màu trên lụa, kích thước 57 x 43cm) có giá ước đoán khoảng 100.000 - 120.000EUR. Dẫu bức tranh chưa có sự thống nhất xác thực về năm sáng tác, nhưng Piéta vẫn được rất nhiều nhà sưu tập dòm ngó. 
Mới đây, trong một phiên đấu thầm lặng và ít ồn ào từ nhà đấu giá Shapiro (Mỹ), do không có độ phủ sóng lớn như các phiên đấu đình đám của Christie’s và Sotheby’s, bức Portrait of a Young Lady (1971, màu nước trên giấy, kích thước 59 x 44cm) của danh họa Nguyễn Sáng đã được đấu thành công với giá 22.500USD.
Thực tế, giá của bức tranh là hơn 30.000USD (bao gồm cả thuế và chi phí) là một mức giá không hề dễ chịu với một bức màu nước trên giấy. Shapiro được giới chuyên môn đánh giá là một nhà đấu giá có một mức phí đắt đỏ và chát chúa, lên tới 30% cho người sở hữu.
Tuy nhiên, đây là một tác phẩm xác thực của danh họa Nguyễn Sáng (đã từng được in trong cuốn Nguyễn Sáng do Trần Hậu Tuấn biên tập, Ngân hàng Đầu tư Deutsche Morgan Grenfell tài trợ). Hiện nay, những tác phẩm chân bản của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng hầu như rất ít xuất hiện trên các sàn đấu quốc tế lớn, do độ hiếm quý.
Chính vì vậy, những tác phẩm chuẩn như Portrait of a Young Lady thường được săn lùng ráo riết bằng mọi giá. Một niềm vui lớn hơn, đó là sau một thời gian xa cách, bức tranh đã trở về quê hương.
Bức tranh Ô quan chưởng của danh họa Bùi Xuân Phái đã tìm được chủ nhân mới với giá gõ búa 3.900USD, gấp 3 lần giá dự đoán. Bức Đàn đáy của Lê Huy Hòa - một trong tứ trụ của khóa kháng chiến, chạm mức 11.000USD thuộc về một nhà sưu tập rất trẻ. Một số gương mặt đương đại cũng làm nóng sàn đấu, như Gốc cây bờ hồ của Bùi Hùng chốt giá 8.000USD, Giai điệu mùa thu của Đinh Quân gõ búa ở mức 12.000USD. Kết thúc phiên đấu, kết quả khá bất ngờ khi có đến 62/68 tác phẩm đã tìm được chủ nhân mới, tổng giá trị giao dịch toàn phiên lên đến 73.450USD. 

Tin cùng chuyên mục