Tranh luận về việc đưa triết lý giáo dục vào Luật Giáo dục sửa đổi

Ngày 5-1, Văn phòng Chương trình khoa học của Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức tọa đàm khoa học “Triết lý giáo dục và triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi”.

Trình bày về chủ đề tọa đàm, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ nhiệm đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam: từ truyền thống đến hiện đại”, nhấn mạnh đến sự quan tâm của xã hội với triết lý giáo dục (TLGD) - hay có thể hiểu là tinh thần chủ đạo của giáo dục và cho rằng, ở Việt Nam, có nhiều lý do dẫn đến việc TLGD luôn nhận được sự quan tâm lớn. Trước hết, là do những “sự cố giáo dục” xảy ra với mật độ khá thường xuyên. Theo GS Trần Ngọc Thêm, nếu cho rằng TLGD phải được đúc kết trong một câu hay vài chữ ngắn gọn, được thể hiện tường minh và được mọi người thừa nhận rộng rãi thì có thể đi đến kết luận là Việt Nam chưa có TLGD. Còn nếu cho rằng TLGD phải được nhận diện qua việc quan sát hoạt động giáo dục, qua việc đánh giá sản phẩm đầu ra thì có thể đi đến kết luận là Việt Nam có TLGD nhưng TLGD đó chưa chính xác. 

Từ thực tế đó, quan điểm của nhóm nghiên cứu đề tài cho rằng, cấu trúc phổ biến của khái niệm “TLGD” có thể xem gồm 5 thành tố. Trong đó, sứ mệnh giáo dục là thành tố gốc còn mục tiêu giáo dục là thành tố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối 3 thành tố còn lại là nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, nguyên lý giáo dục. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một khung tư tưởng triết lý trong luật giáo dục. Theo đó, nên tách riêng một chương nói về tư tưởng triết lý, có thể đặt tên là “mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục”. 

Thảo luận tại tọa đàm, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, theo thông lệ quốc tế, nhìn chung không có quy định về TLGD trong bất kỳ văn bản pháp quy nào. Vì vậy, không cần có quy định về TLGD trong Luật Giáo dục sửa đổi. Thay vào đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về mục tiêu, tính chất, định hướng phát triển giáo dục để thể chế hóa một cách phù hợp TLGD Việt Nam trong bối cảnh mới. PGS-TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cũng nêu quan điểm không nên đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi một chương với tên cụ thể là TLGD, vì dễ gây ra tranh luận. Tuy nhiên, vẫn cần thể hiện trong luật TLGD của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục