Tránh hệ lụy tận thu

Bộ Tài chính vừa đưa ra định hướng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật về thuế, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và Thuế Tài nguyên.
Dự kiến, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Trong đó, điểm nhấn của sửa Luật Thuế GTGT là đưa một số nhóm đối tượng không chịu thuế vào chịu thuế GTGT, hàng hóa đang chịu thuế GTGT 5% tăng lên 10% và tăng thuế suất GTGT thông thường từ 10% lên 12%.
Với thuế TTĐB là đề xuất bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế là mức 10% và áp dụng từ năm 2019; điều chỉnh giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước; thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà (áp dụng từ ngày 1-1-2020); tăng thuế suất xe bán tải có dung tích từ 2.000 đến 3.000cm³ lên 33%... 
Với thuế TNDN, điểm nhấn là dự kiến doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%; doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Điểm nhấn của sửa Luật Thuế TNCN là giãn bậc chịu thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần từ 7 bậc xuống còn 5 bậc và nâng bậc chịu thuế lũy tiến từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng/tháng (thuế suất 5%), đồng thời đánh thuế đến 30% với người trúng thưởng trên 10 tỷ đồng... Với thuế tài nguyên là thay đổi cách tính toán  giá tính thuế.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), mục đích của việc sửa đổi các sắc thuế này là nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (thuế GTGT, TNDN); mở rộng cơ sở thu, phù hợp với thông lệ quốc tế (bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB), sửa đổi giá tính thuế với mặt hàng ô tô để thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp này; tháo gỡ khó khăn cho cá nhân (thuế TNCN)...
Việc sửa đổi này cũng phù hợp với Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Nghị quyết số 07-NQ/TW đã đưa ra mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời đưa ra một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu nêu trên là tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu...
Nhìn vào những điểm sửa đổi mà dự luật này đề xuất có thể thấy, tác động đáng kể nhất với hàng triệu người tiêu dùng là việc tăng thuế GTGT lên 12%. Việc tăng thuế GTGT đồng nghĩa giá hàng hóa có thể sẽ tăng thêm 2% so với hiện nay.
Với doanh nghiệp, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm khi mà theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết, thuế suất hàng hóa sẽ ngày càng giảm, thậm chí rất nhiều mặt hàng sẽ về thuế suất 0%.
Đặc biệt, hàng hóa Thái Lan đang có mặt ở Việt Nam sẽ có thể phát huy lợi thế khi thuế GTGT đối với hàng hóa của họ chỉ 7%. Với người tiêu dùng, việc tăng thuế sẽ khiến cho hàng hóa tăng giá, từ đó có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết nhưng lại tăng thuế nội địa để bù giảm thu ngân sách sẽ làm triệt tiêu đi tác dụng của việc giảm thuế, tăng sức mua người tiêu dùng, kích cầu nền kinh tế... 
Thuế GTGT là một loại thuế gián thu, tức là doanh nghiệp đóng hộ người tiêu dùng. Tăng thuế GTGT cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu. Việc mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng là cần thiết nhưng cũng phải tính toán cẩn trọng tác động và hệ lụy của nó, vì gánh nặng thuế sẽ đẩy lên vai người nghèo nhiều hơn.
Không chỉ vậy, bên cạnh việc tái cơ cấu thu ngân sách thì cũng cần phải điều tiết lại chi ngân sách hợp lý hơn, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao, chứ không chỉ đơn thuần dùng công cụ thuế, tăng thuế.

Tin cùng chuyên mục