Tranh cãi về sản phẩm biến đổi gien

Vụ xì căng đan hạt giống lúa mì biến đổi gien (GM) trồng trái phép ở Oregon, Mỹ của Công ty Monsanto một lần nữa làm dấy lên các tranh cãi dữ dội về mức độ an toàn của GM. Nhiều nước, đứng đầu là Mỹ, ủng hộ và cho phép trồng đại trà hạt giống GM nhưng nhiều nước khác, thậm chí cả các nước nghèo ở châu Phi đã phản đối.
Tranh cãi về sản phẩm biến đổi gien

Từ vụ xì căng đan lúa mì biến đổi gien của Monsanto

Vụ xì căng đan hạt giống lúa mì biến đổi gien (GM) trồng trái phép ở Oregon, Mỹ của Công ty Monsanto một lần nữa làm dấy lên các tranh cãi dữ dội về mức độ an toàn của GM. Nhiều nước, đứng đầu là Mỹ, ủng hộ và cho phép trồng đại trà hạt giống GM nhưng nhiều nước khác, thậm chí cả các nước nghèo ở châu Phi đã phản đối.

Công nghệ GM gây tranh cãi lâu dài

Biểu tình tại châu Âu đòi dán nhãn mác với thực phẩm biến đổi gien.

Biểu tình tại châu Âu đòi dán nhãn mác với thực phẩm biến đổi gien.

Monsanto là công ty cung cấp hạt giống lớn nhất thế giới. Thế nhưng kiểu kinh doanh độc quyền một số sản phẩm với nông dân ngay tại Mỹ đã nhiều lần bị đưa ra tòa án. Nông dân ở bang Pennsylvania từng than phiền trước Tòa án tối cao Mỹ cho rằng, việc tòa án bảo vệ bằng sáng chế các loại hạt giống kháng thuốc trừ cỏ của Monsanto làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Tháng 5-2013 tòa án tối cao phán quyết ủng hộ Monsanto theo đó không cho phép nông dân tái sử dụng những hạt giống GM. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân phải mua giống mới mỗi năm từ GM.

Một nông dân bang Indiana, Mỹ, đã cố phá vỡ thỏa thuận với Monsanto bằng cách trồng lại hạt giống đậu nành GM. Đậu nành tăng trưởng tốt nhưng tòa án tối cao phán quyết rằng ông đã vi phạm bằng sáng chế của Monsanto và phải trả cho công ty một khoản phí. Monsanto cho rằng hạt giống GM thường có một khoản phí công nghệ kèm vào giá. Một túi 50-pound (chưa tới 25kg) hạt giống đậu nành GM khoảng từ 50 đến 55 USD trong khi một túi hạt giống bắp GM từ 200 - 250 USD. Một túi hạt đậu nành sẽ trồng dưới một mẫu Anh trong khi hạt giống bắp trồng trên diện tích từ 2,5 đến 3 mẫu Anh.

Ngoài sự độc quyền, nỗi sợ hãi trong nông dân Mỹ về tình trạng hạn hán kéo dài ở toàn bộ châu Mỹ đã tiếp thêm sức mạnh cho Monsanto khi nông dân muốn chắc ăn nên tìm đến các hạt giống GM kháng sâu bệnh, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt và cho sản lượng thu hoạch cao.

Thế nhưng nỗi lo về thực phẩm GM vẫn còn đó khi chưa có kết luận rõ ràng về tác hại của thực phẩm này với sức khỏe con người. Một nghiên cứu của nhà sinh học phân tử người Pháp, ông Gilles-Eric Séralini, Đại học Caen kết luận rằng bắp GM và kháng cỏ dại của Monsanto có liên quan với bệnh ung thư. Tuy nhiên kết luận này đã bị sáu học viện hàng đầu của Pháp bác bỏ. Nhóm người tiêu dùng và nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ đã chiến đấu với Monsanto từ nhiều năm qua liên quan đến hạt giống GM và các vấn đề thực phẩm có sử dụng sản phẩm GM. Vào năm 2012 họ đã thua trong một chiến dịch đòi bang California dán nhãn đối với các thực phẩm GM. Monsanto và nhiều công ty hóa thực phẩm khác đã bỏ ra hơn 40 triệu USD để vận động hành lang không thông qua dự luật dán nhãn GM lên các sản phẩm ở bang California.

Xì căng đan của Monsanto lần này giống với những gì xảy ra với Công ty Aventis trước đây qua giống bắp GM Starlink Corn, trong đó có cả khả năng kháng sâu rầy. Giống này chỉ được chấp thuận làm thức ăn chăn nuôi vì lo ngại rằng nó có thể chứa một chất gây dị ứng của con người. Tuy nhiên vào năm 2000, người ta phát hiện Starlink Corn trộn lẫn với bắp dành cho người tiêu dùng. Nông dân Mỹ đã thiệt hại 288 triệu USD vì bị thu hồi sản phẩm bị ô nhiễm. Trong năm 2006, gạo mang tên Liberty Link của hãng Bayer cũng không được chấp thuận cho sử dụng thương mại nhưng sau đó lại thấy trong gạo bán ở Mỹ, gây thiệt hại hàng triệu USD trong ngành xuất khẩu gạo của Mỹ. Việc sử dụng thực phẩm GM đã trở thành vấn đề gây tranh cãi ngay cả trong các nhóm hoạt động vì an toàn thực phẩm, môi trường và các ngành công nghiệp.

Tại Mỹ, nhiều nhóm hoạt động bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng đang tiếp tục vận động phân biệt các sản phẩm sử dụng công nghệ GM. Ông Greg Jaffe, luật sư và là giám đốc công nghệ sinh học tại Trung tâm Khoa học và lợi ích công cộng của Mỹ cho biết, ông ủng hộ một vai trò điều tiết mạnh mẽ hơn cho Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA). Ông nói: “Ngay bây giờ bất cứ ai cũng nên phân biệt được thực phẩm GM và thực phẩm không GM, FDA nên có vai trò trong việc loại trừ các sản phẩm pha trộn giữa hai thứ ra khỏi thị trường”.

EU đi đầu trong việc chống thực phẩm GM

Theo sau xì căng đan lúa mì GM ở Oregon, Monsanto đã ngừng kế hoạch vận động hành lang cho phép trồng các cây trồng GM ở châu Âu. Brandon Mitchner, đại diện cho chi nhánh châu Âu của Monsanto cho biết nguyên nhân là do nhu cầu thấp của người nông dân EU. Một phát ngôn viên của Monsanto ở Đức, Ursula Luttmer-Ouazane, thừa nhận rằng Monsanto nhận ra rằng cây trồng GM đã không được chấp nhận trên thị trường châu Âu. Bà xem các nỗ lực của Monsanto tại EU là việc chống lại “cối xay gió”.

Người phát ngôn Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức mô tả động thái này là một “quyết định kinh doanh”. Tuy nhiên, bộ cho biết thêm, điều này cho thấy sự hứa hẹn của ngành công nghiệp GM đã không trở thành sự thật đối với nông nghiệp châu Âu.

8 chính phủ các nước trong EU đã cấm nhiều loại hạt giống GM của Monsanto trong nước của mình theo một điều khoản bảo vệ môi trường. Cuộc biểu tình chống Monsanto ở Đức rất mạnh mẽ khiến chính phủ do lo ngại rằng canh tác các hạt giống của Monsanto có thể dẫn đến suy thoái sinh thái. Đối thủ của Monsanto, như Bayer CropScience, BASF và Syngenta, đã rút ra khỏi thị trường Đức do sự phản đối công khai quy mô lớn của công luận nước này. Áo, Bulgaria, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Luxembourg và gần đây nhất Ba Lan là một trong những nước thành viên EU khác thực thi các lệnh cấm. Vào tháng 4-2013, Italia gia nhập hàng ngũ các quốc gia EU cấm trồng cây GM trên đất của mình. Trên bình diện quốc tế, sau vụ xì căng đan của Monsanto tại Oregon, đã có các cuộc biểu tình chống Monsanto tại 52 quốc gia. Nhà nhập khẩu châu Á lớn khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình, trong khi EU ra lệnh kiểm tra bất kỳ lô hàng nông nghiệp nào nhập khẩu từ Mỹ và sẵn sàng loại bỏ mọi thực phẩm của GM

Quyết định 11/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12-1-2006 cho biết Việt Nam sẽ tham gia vào việc trồng cây biến đổi gien với một lộ trình rất rõ ràng (Giai đoạn 2006 - 2010: thử nghiệm một số giống cây trồng GM trên đồng ruộng. Từ 2011 - 2015 đưa một số giống cây trồng GM (bắp, đậu nành và bông) vào sản xuất thương mại. Đến năm 2020, diện tích một số cây trồng GM (bông, bắp, đậu nành) đạt 30% - 50% diện tích của các loại này. Một số công ty được phép đưa giống vào khảo nghiệm ở Việt Nam, chủ yếu là các loại giống cây trồng GM của một công ty con thuộc Tập đoàn Monsanto, trong đó có giống bắp NK603. Theo tập đoàn Monsanto, giống bắp này có thể kháng thuốc diệt cỏ dại, chống lại một số virus, vi khuẩn, nấm và có sức đề kháng với thay đổi khí hậu... Thực tế cho thấy, sau một thời gian lại xuất hiện một loại cỏ mới gọi là “siêu cỏ dại” và sâu bệnh mới còn khó tiêu diệt hơn.

Thụy Vũ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục