Tọa đàm “Tiếng nói học sinh THPT TPHCM”

Trăn trở “chảy máu chất xám”

(SGGP).- “Vì sao nhiều học sinh (HS) thích du học nước ngoài? Phải làm gì khi đất nước bị “chảy máu chất xám”?” (Báo SGGP đã từng có bài phản ánh thực trạng này). Đó là những câu hỏi đã được đặt ra trong buổi tọa đàm mang tên “Tiếng nói của HS TPHCM” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức vào ngày 27-3 với sự tham dự của 130 HS là bí thư, phó bí thư Đoàn trường.

Theo em Nguyễn Trần Diệu My, Trường Phổ thông Năng khiếu TPHCM, nhiều HS du học vì chương trình học ở Việt Nam còn nặng nề, vì đất nước đang phát triển rất cần những ngành công nghệ, kỹ thuật cao. Chính các du HS sẽ mang những thành tựu khoa học kỹ thuật trở về xây dựng đất nước. Chuyện HS đi du học nhiều hay ít không quan trọng bằng cống hiến cho đất nước như thế nào.

HS Bích Quỳnh (lớp 11, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1) đã đặt ra câu hỏi tại sao hiện nay chương trình học rất nặng, thời gian đào tạo rất dài nhưng nhiều người khi ra trường vẫn thất nghiệp hoặc có được việc làm thì doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại.

HS Trần Tiến Thịnh (Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7) cho rằng chương trình học quá nặng về lý thuyết, có ít thời gian cho thực hành mà thực hành là rất quan trọng. Đại diện HS Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp) cho rằng trong chương trình đào tạo còn có những lỗ hổng về giáo dục văn hóa giao tiếp đối với HS, kiến nghị trong môn Giáo dục công dân cần tăng cường các tiết dạy cho HS về văn hóa ứng xử ngay từ đầu… Hầu hết HS tham dự tọa đàm đều đồng tình với những ý kiến trên.

D.D - D.L.

Tin cùng chuyên mục