Trạm thu phí BOT tuyến đường tránh Biên Hòa đặt nhầm chỗ?

Từ ngày 9-9 đến nay, hiện tượng nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé khi đi qua trạm thu phí BOT tuyến đường tránh Biên Hòa, để phản đối, khiến giao thông khu vực này trở nên hỗn loạn, ách tắc, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần xả trạm.
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua Trạm BOT tuyến tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 9-9
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua Trạm BOT tuyến tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 9-9
Ông Phạm Xuân Ánh (ngụ xã Suối Tre, thị xã Long Khánh), phản ánh, vị trí lắp đặt trạm thu phí của dự án BOT tuyến quốc lộ 1 đoạn tránh Biên Hòa hiện nay không hợp lý. Nhiều người dân không đi qua đường tránh nhưng vẫn phải trả phí rất cao. “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo đề xuất Bộ GT-VT xem xét, rà soát, điều chỉnh vị trí lắp đặt trạm thu phí đoạn tránh TP Biên Hòa nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Ánh bức xúc.
Tương tự, công ty chuyên kinh doanh vận tải hành khách của ông Nguyễn Ngọc Hùng, ở xã Trung Hòa, không khai thác tuyến nào trên đường tránh Biên Hòa nhưng hàng tháng vẫn phải đóng khoảng 3 triệu đồng phí qua trạm.  “Thu phí cao gây cho công ty thiệt hại khoản tiền không nhỏ. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư phải miễn hoặc giảm giá vé cho những người dân sống gần trạm hoặc di dời trạm đến đường tránh để đặt cho đúng”. 
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kiến nghị giảm mức giá cho tương đồng với các trạm thu tại khu vực và cho các hộ dân sống gần trạm thu này. Đoạn tránh TP Biên Hòa có mức thu hiện tại là 35.000 đồng cho phương tiện dưới 12 chỗ (khá cao) so với trạm cầu Đồng Nai thu 15.000 đồng và trạm quốc lộ 51 thu 20.000 đồng.
Không chỉ những người kinh doanh mà những người dân sống gần khu vực cũng bị vạ lây. Ông Nguyễn Tấn Thông (ngụ ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa) cho biết, nhiều tài xế né trạm nên đi vào đường trong khu dân cư của ấp Bàu Cá khiến cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xe lớn, xe nhỏ đều chọn cách đi vào đường trong khu dân cư, gây nguy hiểm cho người dân nơi đây.
Tuyến tránh TP Biên Hòa do Công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dài hơn 12km, tổng vốn cùng với đoạn cải tạo 10km quốc lộ 1 là 1.500 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2014. Trạm thu phí được đặt trên quốc lộ 1 ở km 1842, thuộc xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cách đường tránh TP Biên Hòa hơn 10km. Trong quá trình triển khai xây dựng đường tránh và đặt trạm thu phí, Bộ Tài chính từng có công văn gửi Bộ GTVT  xung quanh việc đặt trạm thu phí của tuyến đường tránh Biên Hòa và cho rằng việc đặt trạm như hiện tại là không đúng nguyên tắc. Văn bản do Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh ký ngày 17-11-2009 nêu rõ: “Trả lời công văn số 7169 của Bộ GTVT về việc thành lập trạm thu phí để tổ chức thu phí hoàn vốn Dự án BOT tuyến tránh TP Biên Hòa, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Về nguyên tắc, việc xây dựng trạm thu phí để tổ chức thu phí hoàn vốn Dự án BOT tuyến tránh TP Biên Hòa, phải đặt trên tuyến tránh TP Biên Hòa”.
Trước sự phản ứng của người dân, đại diện chủ đầu tư BOT tuyến tránh Biên Hòa là Công ty CP đầu tư Đồng Thuận vừa lập danh sách miễn, giảm phí 108 phương tiện của các hộ dân xung quanh trạm, chủ yếu thuộc xã Trung Hòa gửi lên Tổng cục Đường bộ xem xét. Thế nhưng, động thái này của Công ty CP đầu tư Đồng Thuận được người dân cho rằng, mang tính đối phó vì trạm bị đặt nhầm chỗ.

Tin cùng chuyên mục