Trăm năm sân khấu cải lương - Tứ quý của cải lương Nam bộ: Trang, Châu, Chơi, Nở

Khoảng những năm 1950 - 1954, giới báo chí kịch trường - dù là chỉ manh nha trong một vài tờ báo như Tiếng Dội, Tiếng Chuông - đã có những bài viết ca ngợi nhóm tứ quý của sân khấu cải lương lúc ấy. 

Nhóm tứ quý ấy vừa là diễn viên, vừa là những soạn giả: Trang, Châu, Chơi, Nở. Vì khuôn khổ có hạn, chúng tôi chỉ sơ lược sự nghiệp chính của các ông.

Nghệ sĩ Trần Hữu Trang

Ông sinh năm 1906, mất ngày 1-10-1966. Quê hương ông là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ đã làm thợ hớt tóc.

Khi làm thợ hớt tóc, ông có điều kiện gặp gỡ với những nghệ sĩ đờn ca tài tử. Ông được Nguyễn Thành Châu giới thiệu vào gánh hát Trần Đắc để bán vé, ghi sổ sách, làm thư ký chép tuồng. Sau đó, ông được Mười Giảng (tức Đặng Công Danh) hướng dẫn dạy dỗ. Đi theo gánh hát, ông tập tành viết tuồng với vở đầu tay là Lửa đỏ lòng son (năm 1928), tiếp theo là vở Tâm hồn nghệ sĩ.

Vào thập niên 1930, thấm nhuần những nỗi khổ của đời, ông đã mang chất hiện thực vào những vở như Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937), khiến cho những vở hát này trở thành “đinh” trong những chuyến lưu diễn Bắc - Nam. Những năm sau, ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu, tạo nên nhiều tác giả gây tiếng vang như: Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụy, Khi người điên biết yêu (viết chung với Năm Châu, Lê Hoài Nở).

Trăm năm sân khấu cải lương - Tứ quý của cải lương Nam bộ: Trang, Châu, Chơi, Nở ảnh 1 Vở cải lương Tô Ánh Nguyệt
Trần Hữu Trang còn tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu. Năm 1947, ông vào Sài Gòn làm công tác vận động văn nghệ sĩ, trí thức trong vỏ bọc của một nghệ sĩ đoàn cải lương Con Tằm.

Sau năm 1946, ông cho ra vở Hậu chiến trường. Đến 1960, phong trào Đồng Khởi nổi lên, ông vào khu và giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. 20 năm sau (1966), ông mới bắt tay viết kịch bản mới về người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Trỗi, nhưng kịch bản không được hoàn thành khi ông hy sinh trong một đợt oanh kích của  B.52.

NSND Năm Châu

Nghệ sĩ Năm Châu (Nguyễn Thành Châu sinh ngày 9-1-1906, mất năm 1977) quê tại tổng Thuận Trị, làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Ông là học sinh Trường Trung học La San Taberd nhưng thích theo nghiệp sân khấu nên gia nhập gánh cải lương của thầy Năm Tú vào năm 1922.

Sân khấu về khuya, cùng Phũ phàng Nợ dâu là bộ 3 kịch bản cải lương có giá trị như tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Thành Châu trong hoạt động sáng tác là “thật và đẹp”. Ông là đạo diễn ứng dụng nghệ thuật của sân khấu phương Tây vào nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Một số tác phẩm nổi tiếng có thể kể như: Duyên chị tình em, Anh hùng náo Tam môn giai, Tư sinh tử, Đóa hoa rừng, Thái tử Hàm Lệ, Túy Hoa vương nữ, Miếng thịt người, Tây Thi gái nước Việt, Vợ và tình, Nước biển mưa nguồn... Cuối đời, ông viết Ngọn cờ đầu, Ngao sò ốc hến. Ngoài công việc của người soạn giả, diễn viên, đạo diễn, ông còn là bầu của những đoàn như Con Tằm, Việt kịch Năm Châu, Ánh Chiêu Dương.

Trăm năm sân khấu cải lương - Tứ quý của cải lương Nam bộ: Trang, Châu, Chơi, Nở ảnh 2 Từ trái sang: Kim Cúc (Tây Thi), Năm Châu (Ngô Phù Sai) 
trong vở Tây Thi gái nước Việt. Ảnh: HUỲNH CÔNG MINH
NSND Bạch Tuyết nhớ lại: “Với ông, cải lương phải thật và đẹp, người nghệ sĩ phải mang hồn thật sự của vai diễn. Ba Năm Châu buộc chúng tôi phải am hiểu kỹ càng, nghiên cứu không ngừng về cả lịch sử dân tộc trước những tuồng cổ. Có những vai diễn, chúng tôi tập đi tập lại mấy ngày vẫn không vừa ý ba Năm”. Với những đóng góp to lớn của mình, nghệ sĩ Năm Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1988.

Từ năm 1962, nghệ sĩ Năm Châu được mời làm Giáo sư kịch nghệ của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Không chỉ là người tiền phong trong sân khấu, ông cũng là người đóng góp nhiều cho ngành điện ảnh Sài Gòn khi thực hiện những phim Quan Âm Thị Kính, Người đẹp Bình Dương, Chiều kỷ niệm…; đưa vọng cổ lồng tiếng cho phim Ấn Độ vào thập niên 60.

Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung

Trong truyện ngắn Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn, nhà văn Trang Thế Hy có kể lại chuyện mình gặp một ông già đã từng là soạn giả, diễn viên một thời nổi tiếng trong giới sân khấu mượn rượu để sống nốt quãng đời còn lại.

Nghệ sĩ già này đã khuyên Trang Thế Hy: “…Nếu như con nổi tiếng, con phải nghe lời chú Tư dặn nghe con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình, bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?...”. Tôi nghĩ, không phải nhà văn Trang Thế Hy hư cấu truyện ngắn này, vì ông cho biết tên nhân vật nghệ sĩ già trong truyện là Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi.

Nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung sinh năm 1906, mất năm 1964 tại xã An Hóa, tỉnh Bến Tre. Không có nhiều tài liệu cho biết ông học cổ nhạc từ đâu, nhưng theo soạn giả Nguyễn Phương cho biết: “Ông Tư giỏi chữ Nho, biết tiếng Pháp, tiếng Anh và làm thơ hay. Ông cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc tài ba, chuyên đờn đoản và đờn violon. Ông là người đầu tiên đưa tân nhạc, nhạc Pháp lời Việt vào tuồng cải lương và các vở hoạt kê hài hước trên các sân khấu Huỳnh Kỳ, Phước Cương, Kim Thoa, Trần Đắc…”.

Đầu những năm 1930, ông đã là một diễn viên trong gánh Trần Đắc, chung với Năm Châu, Tư Sạng, Tư Út, Kim Thoa… Không những vậy, ông cũng là một soạn giả tài ba với những vở như Khúc oan vô lượng, Lỡ tay trót đã nhúng chàm, Tiếng nhạn kêu sương, Tôi xin chừa, Hai mặt còn trơ, Em muốn tự do…

Không ai biết lý do gì mà ông trở thành người thất chí, đắm chìm trong men rượu. Nhưng có thể có một cách hiểu về nghệ sĩ Tư Chơi theo lời kể của nhà văn Trang Thế Hy chăng: “Một tác giả cải kịch bản cải lương còn trẻ, có chút tài năng nhưng chưa có tên tuổi đến nhờ chú Tư cùng đứng tên như đồng tác giả của một vở tuồng nhưng chú Tư đã mời ra về ít nhã nhặn hơn: “Vì không chịu làm bạc giả mà tôi phải nghèo cực đến như vầy. Bây giờ chú muốn tôi giúp đỡ chú làm bạc giả hay sao? Chú cầm quyển tuồng của chú về đi”.

Nghệ sĩ Lê Hoài Nở

Một trong những vở NSND Ba Vân đóng thành công và gây ấn tượng với khán giả Hà thành là vai Dũng ghiền trong Vó ngựa truy phong vào năm 1942 của soạn giả Lê Hoài Nở.

Nghệ sĩ Lê Hoài Nở (Năm Nở) là soạn giả nổi tiếng viết tuồng cải lương hoạt kê, trào phúng. Tên của ông thường được xếp ngang với Tư Trang, Năm Châu… trong thập niên 1940. Ông là tác giả của những vở tuồng Hội yêu chồng, Ông huyện hàm… hàm, Vó ngựa truy phong…

Các nghệ sĩ nổi danh qua các vai tuồng để đời của Năm Nở có: nghệ sĩ Sáu Nết, Sáu Ngọc Sương (vai Ngự Bình vở Hội yêu chồng); các nghệ sĩ Phùng Há, Sáu Ngọc Sương, Ba Thanh Loan, Ngọc Hải, Ngọc Ánh và các nam diễn viên Năm Châu, Tám Danh, Từ Anh (trong tuồng Vó ngựa truy phong); các nghệ sĩ Phùng Há, Kim Cúc, Kim Lan, Năm Châu, Ba Vân, Từ Anh (trong tuồng đồng tác giả Khi người điên biết yêu)…

Theo soạn giả Nguyễn Phương, nghệ sĩ Năm Nở sinh năm 1909 tại làng Tân Hưng, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc. Ông thi rớt bằng Thành Chung, về quê nhà, làm thầy giáo trong làng (1930), chơi đờn ca tài tử, sử dụng thành thạo đờn kìm, đờn cò. Năm 1938, gia đình sa sút nên ông rời quê gia nhập gánh Nam Hưng nhờ biết đờn ca và có học thức, Năm Nở nhanh chóng trở thành kép chánh.

Năm 1940, chủ nhà hàng Bồng Lai là Vũ Văn Ban mời Năm Châu và Năm Nở hợp tác lập gánh hát cải lương Nam Châu. Trên sân khấu Nam Châu, Năm Nở đã viết và dựng những vở như: Những kẻ vứt đi!, Thử yêu chồng, Hội yêu chồng, Vó ngựa truy phong…

Vào năm 1962, ông trở thành giảng viên khoa Cải lương của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn cùng với Năm Châu, Duy Lân, Phùng Há, Bảy Nhiêu… Năm 1967, ông được con trai đang du học ở Pháp bảo lãnh sang Pháp trị bệnh. Năm 1976, hai vợ chồng ông Năm Nở về Việt Nam thăm nhà rồi ở lại luôn đến ngày mất, thọ 92 tuổi.

Tin cùng chuyên mục