Trăm mối lo đầu năm học mới

Trường lớp xây nhiều vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu chỗ học cho người dân. Thống kê xếp loại hạnh kiểm của học sinh luôn ở mức khá nhưng bạo lực học đường vẫn tái diễn. 
Đó là 2 trong số những nội dung vừa được đưa ra tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2017-2018, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TPHCM phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức sáng 15-8.
Bở hơi tai xây trường
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam, TP có thêm 1.479 phòng học mới được đưa vào sử dụng từ ngày 5-9-2017. Thống kê theo từng bậc học, mầm non vẫn là cấp học dẫn dầu số lượng phòng học được xây mới với 287 phòng, kế đến là THCS với 262 phòng… Địa phương dẫn đầu danh sách phòng học tăng thêm nhiều nhất là huyện Củ Chi với 202 phòng, kế đến là huyện Bình Chánh 137 phòng, quận Bình Tân 89 phòng…
“So với chỉ tiêu năm 2020, toàn TP đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3 - 18 tuổi) thì tính đến tháng 5-2017, chúng ta đã đạt 259 phòng học/10.000 dân”, ông Nam vui mừng cho biết.
Đặc biệt, TP đã có 17 trường mầm non hoạt động tại 15 khu chế xuất, bước đầu đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân.
Trăm mối lo đầu năm học mới ảnh 1 Cô và trò Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) trong một giờ lên lớp
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Yến Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hóc Môn, hiện nay ở 2 bậc mầm non và tiểu học, sĩ số học sinh/lớp ở các trường trên địa bàn huyện đều vượt chuẩn quy định. Trường mầm non công lập không đáp ứng nổi nhu cầu gửi con của người dân, thiếu trầm trọng trường, lớp giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Bà Ngọc bày tỏ: “Số lượng trường mầm non và nhóm lớp ngoài công lập trên địa bàn huyện tăng nhanh do tốc độ đô thị hóa cao, lượng học sinh tăng thêm mỗi năm đều vượt mức dự tính. Các yêu cầu đặt ra về trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến quá hoàn hảo, nhưng thực tế chúng tôi chưa thể đáp ứng được vì khó khăn về cơ sở vật chất”.
Tương tự, bà Phạm Thị Hạnh Tư, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 7, cho biết trên địa bàn quận đang nở rộ mô hình giữ trẻ gia đình chưa được cấp phép. Đáng lo ngại là hầu hết cơ sở đều có phòng ốc không đảm bảo, người giữ trẻ không đạt trình độ chuyên môn theo yêu cầu, việc giữ trẻ chủ yếu cho ăn, ngủ, thiếu các hoạt động giáo dục theo độ tuổi, gây ảnh hưởng chất lượng chăm sóc. Đây cũng là thực tế chung của nhiều địa phương khi tốc độ xây trường không theo kịp mức độ gia tăng dân số.
Cảnh báo vấn đề bạo lực học đường
Liên quan công tác chuẩn bị đầu năm học, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP, bày tỏ lo ngại vì sao thống kê kết quả đánh giá học sinh tiểu học có đến 99,9% học sinh đạt yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, nhưng đây đó vẫn xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường ở bậc tiểu học. Riêng ở bậc THCS, có đến 87,03% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, 11,41% xếp loại khá, chỉ có 1,52% học sinh có hạnh kiểm trung bình và 0,05% xếp loại hạnh kiểm yếu. Tỷ lệ này giảm nhẹ ở bậc THPT với 82,51% học sinh có hạnh kiểm tốt; 14,12% xếp loại khá; 2,88% xếp loại trung bình và 0,49% loại yếu. Nhìn chung thống kê ở 3 bậc học, chất lượng giáo dục đạo đức, nhân cách và lối sống cho học sinh đều ở mức khá hoàn hảo. Song, vì sao vẫn xảy ra nhiều trường hợp học sinh đánh nhau đến mức phải nhập viện, trò đánh thầy, hoặc giải quyết xung đột với các đối tượng bên ngoài bằng hành vi bạo lực, khiến hình ảnh học đường ngày càng bị bôi xấu?
Đồng quan điểm, GS bác sĩ Trần Đông A chia sẻ, hình ảnh học sinh tiểu học gây hấn rồi dùng chân đá vào bộ phận sinh dục bạn cùng lớp hay học sinh THCS do mâu thuẫn cầm kéo đâm bạn đến mức phải nhập viện khiến ông rất đau lòng. Đó là thực tế đáng báo động về hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong trường học hiện nay. 
Giải tỏa băn khoăn này, ông Lê Hoài Nam cho biết: “Năm nào, ngành giáo dục cũng nhấn mạnh vai trò đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý, kết hợp sự tăng cường giám sát thường xuyên của lực lượng giám thị nhằm hạn chế tối đa những hành vi không đẹp trong nhà trường”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thừa nhận để giảm thiểu bạo lực học đường thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống giáo dục chính trị tư tưởng, không thể giao phó hết cho nhà trường, bởi thói quen, nhân cách của học sinh còn chịu ảnh hưởng từ giáo dục ở gia đình, sự tác động của nhiều tổ chức, đoàn thể sinh hoạt tại địa phương.
Mới đây, Thường trực UBND TPHCM đã thống nhất đề xuất của Sở GD-ĐT về việc giữ nguyên mức học phí năm học 2017-2018, không tăng so với năm học trước. Riêng các khoản thu hộ, chi hộ, nhà trường cần thỏa thuận với phụ huynh để thống nhất mức thu. Các trường phải công khai tất cả khoản thu và không thu dồn các khoản đóng góp vào đầu năm học để tránh gây áp lực cho phụ huynh.

Tin cùng chuyên mục