Trám “lỗ hổng”

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462ha rừng.

Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng. Những con số nói trên cho thấy, tình hình cháy nổ ở nước ta ngày càng diễn biến rất phức tạp.

Đáng chú ý, nguyên nhân của hầu hết các vụ cháy nổ trong thời gian qua vẫn liên tục được chỉ ra, nhưng việc khắc phục lại rất chậm. Đó là do một số đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức chưa coi trọng, quan tâm công tác PCCC - CNCH. Nhiều đơn vị chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ít quan tâm, đầu tư cho công tác PCCC, không tuân thủ các quy định pháp luật về PCCC - CNCH.

Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe; nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài không khắc phục lỗi vi phạm. Công tác tuyên truyền vẫn chưa tạo được ý thức cảnh giác về phòng ngừa cháy nổ trong người dân.

Ngoài ra, công tác quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy chưa đồng bộ; còn nhiều bất cập, khó khăn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.

Đáng nói, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, chưa quyết liệt, triệt để, có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nên tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC còn hạn chế… 

Những bất cập, “lỗ hổng” trong lĩnh vực PCCC - CNCH đã gây hệ lụy to lớn đối với tình hình kinh tế, xã hội, đời sống người dân. Hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền cần nhận thức PCCC là vấn đề hết sức quan trọng trong thực tế đô thị hóa ngày càng cao như hiện nay.  

Đối với những bất cập, các đơn vị, địa phương cần sớm có đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, PCCC - CNCH.

Trong đó, yếu tố quan trọng là phải quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà trong việc duy trì bảo dưỡng, bảo trì các hệ thống kỹ thuật về PCCC, nhất là đối với loại hình nhà tái định cư, nhà ở chính sách, nhà ở xã hội...

Ngoài ra, cần quy định rõ hơn người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình.

Theo các chuyên gia, nhận thức đúng mới có thể có giải pháp đúng, hành động đúng. Một trong những yếu tố quan trọng là phải đặt các giải pháp về PCCC - CNCH trong tổng thể xây dựng thành công môi trường sống an toàn; hình thành cho được văn hóa sống, kỹ năng sống an toàn cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền hiệu quả để mỗi người dân, mỗi tổ chức tự nhận thức được vấn đề PCCC; thực hiện tốt khâu xử lý tại chỗ; mở rộng xã hội hóa về PCCC.

Tin cùng chuyên mục