Trái tim nhân hậu

Bếp ăn từ thiện Hội Cựu chiến binh phường 10 (quận 3, TPHCM) ở số 19 Rạch Bùng Binh do chính bà Hai Phương làm bếp trưởng, hoạt động hàng chục năm nay...
Bà Nguyễn Thị Phương phát cơm từ thiện cho người nghèo
Bà Nguyễn Thị Phương phát cơm từ thiện cho người nghèo
Ở tuổi 75, lẽ ra bà Nguyễn Thị Phương (Hai Phương) đã có thể nghỉ ngơi an hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng trái tim nhân hậu cứ thôi thúc khiến bà vẫn nhiệt thành tham gia các hoạt động từ thiện, chăm lo các cụ già neo đơn, các em học sinh, sinh viên nghèo… 
Hết lòng vì người nghèo
Bếp ăn từ thiện Hội Cựu chiến binh phường 10 (quận 3, TPHCM) ở số 19 Rạch Bùng Binh do chính bà Hai Phương làm bếp trưởng, hoạt động hàng chục năm nay, giờ phát triển thêm 6 bếp ăn nữa phục vụ bệnh nhân nghèo và các em học sinh dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định, 1 bếp phục vụ các em học sinh bại não ở Trường Tương Lai (quận 3, TPHCM). 
Đến thăm bếp ăn từ thiện trong giờ phát cơm trưa, chúng tôi thấy có hàng chục gia đình khó khăn, sinh viên nghèo ở các tỉnh lên TPHCM trọ học đang nhận khẩu phần ăn. Trong số các sinh viên nhận cơm có em Châu Thị Mộng Cầm, dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, đã 3 năm ăn cơm ở bếp ăn của bà Hai Phương. Em cho biết, gia đình em rất khó khăn, lên TPHCM học ở Học viện Hành chính. Được nhà trường cho ở trọ tại ký túc xá và giới thiệu đến lấy cơm tại đây, nhờ vậy em không phải lo chuyện ăn ở, mà chỉ chuyên tâm vào việc học. Không chỉ mình em Mộng Cầm nhận được suất cơm hàng ngày, em họ của em học ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng nhận được suất cơm miễn phí tại bếp ăn. Nhiều cụ già neo đơn, các gia đình có người bị bệnh tâm thần cũng là “khách hàng thân thiết” của bếp ăn từ ngày thành lập đến nay. 
Nói về việc mở rộng bếp ăn tận miền Trung, bà Hai Phương chia sẻ: “Trong lần đi thực tế ở Bình Định, thấy đồng bào mình còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở miền núi, các em học sinh phải băng rừng, lội suối, đường sá xa xôi để đến trường trong khi bụng còn chưa no, thấy xót xa quá. Vậy là tôi vận động thành lập 4 bếp ăn tình thương ở Trung tâm y tế các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão và Tây Sơn, phục vụ bệnh nhân nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật… và 2 bếp phục vụ các em học sinh trường dân tộc thiểu số ở xã Bok Tới (huyện Hoài Ân) và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh)”. 
Bà Ngô Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân (Bình Định), cho biết nhờ sự giúp đỡ của bà Hai Phương, thời gian qua, bếp ăn tình thương huyện Hoài Ân phục vụ hơn 7.500 lượt bệnh nhân nghèo và bà con dân tộc thiểu số điều trị tại bệnh viện. Tất cả các bệnh nhân từ nặng đến nhẹ đều được cấp suất ăn miễn phí; bệnh nhân khỏe thì dùng cơm hoặc mì tôm, không khỏe thì dùng cháo; bệnh nhân không ăn được như sản phụ và bệnh nhi thì được cấp phát sữa… Việc này đã mang lại niềm vui, niềm phấn khởi cho bệnh nhân. 
Mong ước của người có tâm
Hiện nay, bà Hai Phương có 2 nguyện vọng để giúp bà con nghèo nơi phường bà đang sinh sống. Thứ nhất là thành lập tổ phụ nữ nghèo, tập hợp các chị em bán hàng rong, không có việc làm ổn định, các chị bị khuyết tật nhẹ tham gia để tổ giới thiệu làm giúp việc nhà theo giờ, có thêm thu nhập. Với các chị khuyết tật chân, bà mong muốn nhận mối kết cườm về cho các chị làm kiếm thêm. Thứ hai, bà thấy các anh chạy xe ôm truyền thống hiện nay khó khăn, khó cạnh tranh với các xe ôm ứng dụng công nghệ hiện đại, nên bà muốn giúp các anh thành lập đội xe ôm, giới thiệu mối chở hàng, chở khách. Những người bà giới thiệu, bà sẽ có giấy bảo lãnh và đứng ra chịu trách nhiệm về nhân thân của họ.
Bà chia sẻ: “Hơn 20 năm làm công tác xã hội từ thiện với những người này, mình nắm rõ gia cảnh của từng người và đạo đức của họ. Tuy họ nghèo nhưng lúc nào cũng luôn cố gắng phấn đấu làm những công việc lương thiện để sinh sống, là tấm gương sáng cho các con của họ noi theo. Vì thế, mình tha thiết mong những gia đình, những cơ sở sản xuất cần những người làm giúp việc theo giờ, hoặc cần xe ôm, chở hàng… cùng mình giúp đỡ họ”. 
Hiện nguồn tài trợ chính của các bếp ăn từ thiện này do Chi hội từ thiện Huỳnh Mai (Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM) tài trợ. Mặc dù các bếp ăn vẫn đỏ lửa hàng ngày, nhưng để đảm bảo nguồn lương thực cung cấp cho các bếp duy trì ổn định, bà Phương rất mong các nhà hảo tâm giúp thêm gạo, mì gói, nhu yếu phẩm… để phong phú thêm cho các suất ăn.

Tin cùng chuyên mục