Trại nuôi động vật trái phép trong vùng đệm di sản Phong Nha

Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc VQG PN-KB nói: "Đây là trại nuôi không được phép, đặc biệt là có nhiều cá thể cầy vòi hương, cầy vòi mốc quý hiếm cần bảo tồn. Không loại trừ việc lập trại để săn đồ rừng ở biên giới và VQG PN-KB..."
Cầy vòi hương tại trại của ông Đinh Xi
Cầy vòi hương tại trại của ông Đinh Xi

Mở trại để săn đồ rừng?

Ông Đinh Xi (59 tuổi), không biết chữ đã mở trại nuôi động vật rừng trái pháp luật và khai mua của bà Nguyễn Thị Hương  (Khu phố 1, phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Đơn mua gồm 20 con cầy vòi hương (58kg), 4 cá thể cầy vòi mốc (12kg), đây là 2 loài thuộc nhóm IIB, quý hiếm, thuộc danh lục bảo vệ của CITES, ngoài ra có 30 cá thể Ton với 85kg cùng 1 cá thể lợn rừng 50kg. Tổng cộng ông Xi đặt mua 55 cá thể, trọng lượng 205kg.

Trại nuôi động vật trái phép trong vùng đệm di sản Phong Nha ảnh 1 Cá thể cầy quý hiếm bị nuôi nhốt không theo quy trình CITES

Nguồn tin riêng của PV Báo SGGP ở bản Nịu xác nhận, việc mở trại nuôi động vật rừng tại địa bàn này là chưa có tiền lệ, lại nằm ở vùng biên giới, trong khu vực vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB, nơi có sự đa dạng sinh học phong phú với các loài quý hiếm là nhằm mục đích thẩm lậu động vật hoang dã.

Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc VQG PN-KB nói: “Đây là trại nuôi không được phép, đặc biệt là có nhiều cá thể cầy vòi hương, cầy vòi mốc quý hiếm cần bảo tồn. Không loại trừ việc lập trại để săn đồ rừng ở biên giới và VQG PN-KB. Nếu thật sự nhập động vật ở ngoài vào, kiểm dịch không đảm bảo, Thượng Trạch là xã đầu nguồn, dễ lan truyền dịch bệnh cho các loài trong rừng di sản, ảnh hưởng đến nguồn gen quý hiếm của PN-KB”.

Qua tìm hiểu, ông Đinh Xi khai nhận, ông nuôi hộ cho một cá nhân Bùi Ta Poong (Quảng Trị) với tiền công mỗi tháng là 5 triệu đồng, Poong là đối tượng bị Tòa án nhân dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tuyên phạt tù 9 tháng (cho hưởng án treo), thử thách 18 tháng từ ngày 3-5-2019 vì tội vận chuyển động vật quý hiếm trái phép.

Hồ sơ tẩy xóa không khớp thực tế

Khi chúng tôi thông báo cho các cơ quan chức năng, Hạt kiểm lâm Bố Trạch đã cho kiểm tra. Kết quả, tại trại nuôi của ông Đinh Xi có 2 cá thể cầy vòi hương, 6 cá thể cầy vòi mốc, 30 cá thể Ton, 1 cá thể lợn rừng nặng đến 78,7kg, không như hồ sơ ghi 50kg. Ngoài ra có một cá thể Dúi rừng không nằm trong bộ hồ sơ ông Đinh Xi được cấp.

Trại nuôi động vật trái phép trong vùng đệm di sản Phong Nha ảnh 2 Số lượng cá thể kiểm tra khác với hồ sơ được cấp.

Hồ sơ của ông Xi cấp vào ngày 29-8-2019 do kiểm lâm Quảng Trị cho hạn 5 ngày, nhưng trong hồ sơ lưu ở Thượng Trạch lại có dấu tẩy xóa từ 28-8 đến 7-9-2019 (vận chuyển 10 ngày), xác minh tài liệu ở Chi cục kiểm lâm Quảng Trị cũng có dấu hiệu tẩy xóa.

Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị ký xác nhận bảng kê các loài động vật quý hiếm và thông thường này giải thích không hiểu vì sao bị tẩy xóa. Còn ông Nguyễn Văn Khánh, trạm trưởng trạm kiểm lâm Quảng Trị phân bua: “Vừa mới nhận nhiệm vụ mấy tháng nên không am hiểu”.

Trên thực tế, cơ sở nuôi nhốt động vật rừng của bà Hương hoàn toàn không được cấp phép theo đúng chỉ đạo của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22-01-2019 của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 01-03-2019 về nuôi nhốt, vận chuyển động vật rừng quý hiếm và thông thường. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Khánh cho biết: “Theo thông tư 27/2018 của Bộ NN-PTNT thì các loài này được vận chuyển”. Và ông Khánh đã ký xác nhận hồ sơ.

Trại nuôi động vật trái phép trong vùng đệm di sản Phong Nha ảnh 3 Hồ sơ bị tẩy xóa ngày vận chuyển

Xe vận chuyển là xe bán tải mang biển kiểm soát 21C-04982 vào ngày 30-8. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc VQG PN-KB cho biết, toàn bộ camera của các trạm kiểm lâm ở các cửa ngõ và trên đường vào Thượng Trạch không có dữ liệu của chiếc xe này chở động vật như hồ sơ mà Đinh Xi cung cấp, do đó lãnh đạo VQG PN-KB nghi ngờ số động vật trên do săn trộm vì không khớp với cân nặng, số lượng trong hồ sơ.

Hiện Hạt kiểm lâm Bố Trạch chỉ mới dừng lại lập biên bản kiểm tra, chưa xử lý hành chính trại động vật hoang dã lậu này. Hạt trưởng kiểm lâm Bố Trạch, Phạm Văn Tân cho hay, ông không thể đi xác minh ở Quảng Trị vì cấp trên chưa cho phép. Trong khi đó đối tượng Poong đã xâm nhập biên giới khi có tiền án.

Địa bàn xã Thượng Trạch là nơi diễn ra vụ phá rừng di sản rất nóng hồi cuối tháng 3-2019. Các đối tượng đã chặt phá 47 cây gỗ mon, 27 câu gỗ các loại khác với hơn 100m³. Đến nay đã khởi tố vụ án và 11 lâm tặc liên quan. 

Tin cùng chuyên mục