Trách nhiệm lớn của công đoàn

Hôm nay 24-9, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) khai mạc tại Hà Nội để đánh giá lại những thành tựu và khó khăn trong nhiệm kỳ đã qua, đề ra những nội dung quan trọng cho mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát, giải pháp cho 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung điều lệ và bầu Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa mới.

Sứ mệnh quan trọng nhất của Công đoàn Việt Nam chính là đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công nhân viên chức, người lao động tại Việt Nam. Tổ chức công đoàn có vai trò và nhiệm vụ rất lớn trong việc đàm phán, thương lượng với các doanh nghiệp, giới chủ sử dụng lao động để đưa ra mức lương - thu nhập hợp lý cho người lao động, đảm bảo hài hòa giữa đời sống, mức thu nhập của người lao động lẫn lợi ích của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam trước thềm đại hội, 5 năm qua, đội ngũ công nhân viên chức, người lao động phát triển mạnh về số lượng, có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Công nhân, lao động trong các loại hình doanh nghiệp tăng mạnh, chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ngoài khu vực nhà nước; trong ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ…

Nói về nguyện vọng, đời sống của công nhân và người lao động, có lẽ quan trọng và bức thiết nhất luôn là câu chuyện tiền lương, thu nhập. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, còn nhiều vấn đề nóng hổi đặt ra như mức tiền lương (thu nhập) của người lao động có tương xứng với nhu cầu chi tiêu, mặt bằng giá cả để đảm bảo mức sống tối thiểu hoặc có tích lũy cho bản thân và gia đình họ? Mức tiền đóng bảo hiểm xã hội có đảm bảo chế độ phúc lợi lúc về già? Có những vấn đề rất gần gũi mà luôn tiềm ẩn xung đột, thậm chí dẫn tới đình công như: quy định giờ giấc làm việc, chế độ nghỉ ngơi, bữa ăn ca, các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… Đời sống tinh thần của công nhân lao động ở các khu công nghiệp - khu chế xuất rất nghèo nàn, thiếu thốn lâu nay cũng được gióng chuông báo động. Nhiều công nhân phải đi làm xa, thiếu chỗ ở trọ, phải chịu tiền điện nước cao, các cặp vợ chồng thiếu chỗ gửi trẻ… Nói chung, việc làm, nơi ăn chỗ ở, mức thu nhập, chế độ bảo hiểm, điều kiện làm việc… là những vấn đề nóng bỏng mà công nhân và người lao động luôn quan tâm, bức xúc.

Mới đây, trong công bố kết quả điều tra về thực trạng đời sống và thu nhập của người lao động năm 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, trong khi mức thu nhập trung bình (tính cả tiền lương và làm thêm, phụ cấp) của người lao động chỉ có khoảng 5,5 triệu đồng/tháng thì mức chi tiêu (những khoản bắt buộc) lên tới 7,38 triệu đồng/tháng; 26,5% người lao động phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% người lao động cho biết thu nhập không đủ sống. Người lao động vẫn còn bức xúc về mức tiền lương còn thấp và các vấn đề liên quan chưa được thương lượng, giải quyết. Tỷ lệ “không hài lòng” vẫn ở mức cao. Đây là lý do dẫn tới các cuộc đình công vẫn xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó, đình công ở các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc (chiếm 78,6).

Đành rằng, để nâng cao thu nhập và mức sống cho người lao động thì còn phụ thuộc sức khỏe của nền kinh tế, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cơ chế điều hành của Chính phủ, nhưng công đoàn phải có trách nhiệm đẩy mạnh thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp, kịp thời hóa giải các mâu thuẫn để đảm bảo người lao động có mức thu nhập xứng đáng, không thua thiệt, đáp ứng mức sống tối thiểu. Mục tiêu mỗi kỳ đại hội không chỉ để bầu bán nhân sự mà chính là dịp soi lại, rút ra bài học để đề ra những giải pháp thiết thực cho nhiệm kỳ mới. Trong đó, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn phải được thể hiện ở hiệu quả làm việc của mỗi cán bộ công đoàn tại cơ sở. Cán bộ công đoàn cơ sở không chỉ sát cánh, bảo vệ người lao động mà còn cần có trình độ, năng lực hướng dẫn công nhân lao động áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao tiền lương - thu nhập cho họ. Vấn đề quan trọng là làm cách nào để mỗi cán bộ công đoàn cơ sở thực sự dám đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bởi lâu nay tại các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân, cán bộ công đoàn thường kiêm nhiệm, ăn lương do doanh nghiệp trả nên sợ lên tiếng. Để khắc phục sơ hở này, từ đầu nhiệm kỳ vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam từng đề ra chủ trương xây dựng lực lượng cán bộ công đoàn chuyên trách, hoạt động tại các cơ sở, lương do công đoàn cấp trên chi trả để không phụ thuộc doanh nghiệp. Thế nhưng, chủ trương này đến nay vẫn chưa thành hiện thực, trong khi đây là mô hình nên được triển khai rộng rãi.

Tin cùng chuyên mục