Trách nhiệm giải trình

Trong những năm gần đây, thuật ngữ trách nhiệm giải trình xuất hiện và được sử dụng ngày càng nhiều trong các báo cáo nghiên cứu liên quan đến quá trình cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính cũng như các giải pháp phòng, chống tham nhũng. 
Một trong những giải pháp được đưa ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 là: “Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện cơ chế về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý…”. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, bản thân quan niệm về trách nhiệm giải trình vẫn còn có những nhận thức khác nhau, với nhiều cấp độ khác nhau. Vậy trách nhiệm giải trình là gì? 
Trong hoạt động của bộ máy công quyền thì trách nhiệm giải trình là việc cán bộ, công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Theo đó, cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức nhà nước, phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao đạt kết quả và phải chịu hậu quả khi chưa làm tròn trách nhiệm. Nhìn từ góc độ cải cách hành chính, việc thực hiện trách nhiệm giải trình sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự đối thoại giữa người dân và cơ quan nhà nước. Người dân và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các thông tin, quyết định và biện pháp của cơ quan quản lý. Qua đó, việc thực hiện các biện pháp, quyết định này sẽ thuận lợi hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện tốt trách nhiệm giải trình thì sẽ giảm một phần đáng kể các khiếu kiện, thắc mắc của người dân đến các cơ quan nhà nước.
Hiện nay Đảng, Chính phủ đang thí điểm một số giải pháp nhằm nâng cao uy tín của bộ máy nhà nước trước dân, với hy vọng tạo ra một cơ chế vận hành mới; trong đó trách nhiệm giải trình của bộ máy chính quyền các cấp sẽ được nâng cao. Ngày 8-8-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo đó, nghị định này quy định về điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình; quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người giải trình; trình tự, thủ tục của cơ quan nhà nước. 
Trách nhiệm giải trình là một quy trình hai chiều. Người dân có những nhu cầu mà chỉ có những dịch vụ của chính quyền mới đáp ứng được. Về phần mình, chính quyền phải cung cấp những dịch vụ này một cách hiệu quả nhất. Người dân cần ràng buộc chính quyền về trách nhiệm đối với các dịch vụ mà chính phủ cung cấp. Và, người dân phải có được cơ hội lên tiếng, liệu họ có hài lòng với các dịch vụ đó hay không. Luôn có những lợi ích cố hữu cản trở hiệu quả của việc thực thi. Vấn đề ở đây là làm thế nào để chính quyền huy động tốt nhất các nguồn lực để vượt qua các rào cản của những lợi ích nêu trên và có thái độ không khoan dung đối với vấn đề tham nhũng.
Tổ chức đối thoại có thể được xem là hình thức giải trình hiệu quả. Cán bộ lãnh đạo các cấp trực tiếp đối thoại với dân là hình thức sinh hoạt dân chủ, công khai và có tính quần chúng cao. Việc này nhằm làm rõ đúng - sai, phải - trái bằng lý lẽ, bằng sự đối chiếu những sự việc cụ thể với những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại với dân và dân chủ hóa sinh hoạt chính trị là cách tốt nhất để tiếp cận chân lý. Đối thoại với dân sẽ giúp tổ chức Đảng, chính quyền các cấp nắm bắt bản chất và giải quyết rốt ráo các vấn đề được dân nêu; đồng thời là dịp để tuyên truyền những chủ trương, chính sách hiện hành. Khi đối thoại, các bên tranh luận, chất vấn một cách bình đẳng, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, là nét đẹp văn hóa trong giao tiếp giữa cán bộ với người dân.
Bất cứ ai, nếu có ý thức muốn tiếp cận chân lý, không xa rời thực tế cuộc sống thì trong nếp sống và tác phong công tác không thể thiếu được sự đối thoại. Lĩnh vực nào cũng vậy, nếu cố tình áp đặt thông tin một chiều của mình cho người khác thì đâu có dễ dàng gì đạt được. Căn bệnh của một số ít cán bộ thường chỉ bảo cấp dưới phải làm thế này, phải làm như thế kia còn khá phổ biến, là biểu hiện của tệ quan liêu, gia trưởng, xa lạ với yêu cầu mở rộng dân chủ. Đối với cấp dưới đã như thế, với  người dân càng biểu hiện rõ ràng hơn. Đó là sản phẩm của một kiểu tác phong chỉ biết độc thoại. Mà hệ luỵ của nó đã được biểu hiện rõ qua không ít vụ việc khiến dân chúng bức xúc thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục