TPHCM thu ngân sách hơn cả Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng gộp lại

Dự toán thu ngân sách Nhà nước của TPHCM quá cao, cao gấp 1,1 lần tổng số dự toán thu của 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại. Thời gian qua, kết quả thu đạt được tại TPHCM thấp so với kế hoạch, do nhiều nguồn thu có mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Điều này đe dọa đến kết quả thực hiện vào cuối năm.

Cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do UBND TPHCM tổ chức. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do UBND TPHCM tổ chức. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Ngợp” vì chỉ tiêu quá cao

Sáng nay (ngày 19-7), UBND TPHCM tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Về kết quả thu ngân sách thời gian qua, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính thông tin, thu ngân sách trên địa bàn TPHCM ước đạt 193.310 tỷ đồng (đạt 48,43% dự toán), tăng 7% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 121.825 tỷ đồng (đạt gần 45% dự toán), tăng 2%. Thu nội địa trừ thu tiền sử dụng đất đạt 118.100 tỷ đồng (đạt 45% dự toán), tăng 7,5%. Thu ngân sách địa phương đạt 37.300 tỷ đồng, chiếm 43% dự toán và giảm 10,6% cùng kỳ.

Về nguyên nhân tổng mức thu nội địa được 121.825 tỷ đồng nhưng vẫn chỉ đạt 45% dự toán, theo bà Trang là do Trung ương giao dự toán thu ngân sách TPHCM năm 2019 lên đến gần 400.000 tỷ đồng. Tính ra, 1% dự toán thu ngân sách TPHCM đã tương đương 4.000 tỷ đồng.

“Tổng số dự toán thu ngân sách 2019 của Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỷ đồng. Trong khi tổng dự toán thu ngân sách của TPHCM gần 400.000 tỷ đồng. Như vậy, dự toán thu ngân sách của TPHCM năm 2019 cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu của 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại”, bà Trang so sánh.

Trước nhiệm vụ khó khăn này, bà Trang cho biết, từ đầu năm 2019, TPHCM triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm huy động, nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, đến nay số thu từ khu vực kinh tế chỉ tăng gần 8,5% so với cùng kỳ và vẫn không đạt được dự toán được giao.

Theo bà Trang, số giao dự toán năm 2019 đối với khu vực kinh tế tăng đến 21,15% so với thực hiện năm 2018. “Đây là con số quá cao, vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn TPHCM”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Ngọc Thùy Trang nhận xét.

Về kết quả thực hiện thu ngân sách so với cùng kỳ năm 2018, bà Trang đánh giá mặc dù kết quả thu tăng nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm so với các năm trước. Tốc độ tăng thu nội địa chỉ đạt 2,17% so với cùng kỳ, thấp nhất so với tốc độ thu nội địa trong 3 năm trở lại đây (năm 2018 tăng 9,57% so với cùng kỳ; năm 2017 tăng 18,44% so với cùng kỳ.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Ngọc Thùy Trang phân tích, số thu từ khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất trong số thu nội địa (chiếm 63,73%). Do đó, kết quả thu từ khu vực này tác động rất lớn đến kết quả số thu nội địa.

Trong khi đó, số thu từ khu vực kinh tế tăng 8,48% và là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng cũng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Về nguyên nhân, bà Trang cho biết, một số doanh nghiệp trọng điểm nộp thuế thấp, thậm chí không nộp, chủ yếu các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Một số ngành kinh tế trọng điểm như chứng khoán, vận tải có số thu giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành giảm 41,07% (lũy kế cuối tháng 5-2019).

Không để doanh nghiệp “chạy” do thái độ công chức hải quan

Về giải pháp đảm bảo nguồn thu, Phó Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh đến tập trung thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ đối với các doanh nghiệp nợ thuế, đặc biệt các doanh nghiệp nợ thuế lớn và các khoản liên quan từ đất đai. Cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; đôn đốc các doanh nghiệp nộp các khoản truy thu, nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

TPHCM thu ngân sách hơn cả Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng gộp lại ảnh 1 Các đồng chí lãnh đạo quận, huyện tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do UBND TPHCM tổ chức. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Dự kiến số tiền thu được từ công tác thanh, kiểm tra tăng thêm sẽ bù đắp được số hụt nguồn thu vào khoản 3.000 tỷ đồng”, bà Trang khẳng định.

Ngoài ra, để bù đắp các khoản thu thiếu hụt còn lại thì đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Việc này nhằm tạo đòn bẫy cho các doanh nghiệp liên quan tăng trưởng, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, ngành hải quan cần tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp làm thủ tục thông quan nhanh chóng, chính xác và phấn đấu tiền nợ thuế mới phát sinh trong năm không quá 0,03% trên tổng số thu ngân sách Nhà nước. Ngành hải quan cũng cần hỗ trợ tối đa đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, có số thuế nộp ngân sách lớn thông quan hàng hóa. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước. 

Đặc biệt, “ngành hải quan cần tìm hiểu nguyên nhân các doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM nhưng lại đăng ký nộp thuế hải quan tại tại các tỉnh - thành khác, để có giải pháp khắc phục”, bà Lê Ngọc Thùy Trang nêu giải pháp.

Yêu cầu đặt ra là nhất định không được để xảy ra tình trạng doanh nghiệp của TPHCM làm thủ tục tại nơi khác do thái độ phục vụ của cán bộ, công chức hải quan thiếu thân thiện, hách dịch hoặc nhũng nhiễu.

Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, số dự toán thu ngân sách năm 2019 của TPHCM cao gấp 1,5 lần so với dự toán thu ngân sách của Hà Nội; cao gấp 6,2 lần so với Hải Phòng; 14,58 lần so với Đà Nẵng và gấp 35,47 lần so với Cần Thơ.

Nếu so tổng số dự toán thu ngân sách 2019 của 4 thành phố trực thuộc Trung ương trên (là 365.900 tỷ đồng), dự toán thu ngân sách của TPHCM cao gấp 1,1 lần. Điều này cho thấy, số giao dự toán thu ngân sách của TPHCM đang có sự chênh lệch khá lớn so với các thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, các địa phương xây dự toán thu nội địa năm 2019 tăng từ 12-14% so với thực hiện năm 2018. Thế nhưng, số dự toán thu nội địa năm 2109 Trung ương giao cho TPHCM tăng đến 19%, tức phải thu đạt 252.800 tỷ đồng (tăng 42.000 tỷ đồng so với thực hiện năm 2018).

Tin cùng chuyên mục