TPHCM mạnh mẽ đổi thay

TPHCM đang “lột xác” từng ngày trong công cuộc kiến tạo một đô thị mới, vừa đáp ứng an sinh cho người dân, vừa phát triển xứng tầm trung tâm kinh tế - tài chính trong khu vực. 
TPHCM mạnh mẽ đổi thay ảnh 1 Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đang dần hình thành. Ảnh: Việt Dũng
Nhiều người dân thành phố tâm sự: đi đâu xa vài hôm về lại đã thấy thành phố có nhiều thay đổi ở từng đoạn đường, góc phố. Quả thật, TPHCM đang “lột xác” từng ngày trong công cuộc kiến tạo một đô thị mới, vừa đáp ứng an sinh cho người dân, vừa phát triển xứng tầm trung tâm kinh tế - tài chính trong khu vực. 
Đô thị thay thế đồng bưng
Nếu bạn xem trên không ảnh khoảng thời gian 20 năm về trước, sẽ thấy đô thị hóa tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành cũ: quận 1, 3, 5… còn các khu ngoại vi như quận 2, 9, Gò Vấp… là những vùng đồng bưng hoang sơ. Thế nhưng, những khu “đồng bưng” hôm nay nhà cửa san sát, xe cộ qua lại như mắc cửi, nhìn từ không ảnh chẳng còn phân biệt nội thành hay ngoại vi. Đặc biệt, Khu công nghệ cao ở quận 9 nối liền với Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2 đang tạo thành thế “đối trọng” với khu trung tâm hiện hữu và hứa hẹn sẽ thu hút đầu tư kinh tế- tài chính chẳng kém khu 930ha bên bờ hữu sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, khu trung tâm hiện hữu không “đứng im”. Nhiều công trình kiến trúc hiện đại như Vincom Center, Bitexco Financial Tower, Time Square... theo nhận định của Sở Xây dựng TP, không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế mà còn trở thành điểm nhấn trên bức tranh toàn cảnh của kiến trúc TPHCM, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị, tăng sức sống cho thành phố. Bên cạnh đó, TPHCM cũng xây dựng và phát triển mới hệ thống các tuyến giao thông huyết mạch góp phần phát triển đô thị thành phố về hướng Đông, Nam và hướng Tây Bắc, hình thành, phát triển các khu đô thị mới như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền… 
An cư để phát triển
Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hình thành các khu đô thị mới, TPHCM cũng huy động các nguồn lực để thực hiện chỉnh trang, cải tạo các khu đô thị hiện hữu giúp thành phố phát triển đồng bộ và bền vững, bởi lẽ, người dân có an cư thì thành phố mới phát triển.
Năm 1999, thành phố bắt đầu giải quyết tình trạng chung cư - nhà tập thể hư hỏng nặng, cải tạo sửa chữa một số chung cư cũ ở quận 3, 10, 11 nhưng kết quả không nhiều: tháo dỡ 10 chung cư (14 lô), 57.000m2 diện tích sàn. Sở Xây dựng cho hay, sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực (năm 2006), vấn đề cải tạo các chung cư cũ mới được tập trung giải quyết. Kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ, đã xác định được 178 lô chung cư xuống cấp, trong đó có 67 lô hư hỏng nặng.
Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã tháo dỡ 22 chung cư cũ (32 lô), khoảng 210.000m2 sàn, xây mới lại 480.000m2 sàn. Theo Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện cải tạo và đầu tư xây dựng mới 237 chung cư cũ, xuống cấp.
Công cuộc an sinh không chỉ thực hiện trên cạn mà còn tiến ra bờ sông. Đặc điểm địa hình tự nhiên có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, vừa là ưu thế nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình phát triển đô thị. Cụ thể là tình trạng nhà ở lấn chiếm, hình thành các khu dân cư tự phát, nhà lụp xụp. Một phần do lịch sử để lại từ trước năm 1975, một phần do bồi lắng tự nhiên khiến dòng kênh, rạch vốn nhỏ nay càng hẹp hơn, đồng thời còn có một phần do công tác quản lý chưa được quan tâm trong thời gian dài. Từ năm 1993, TPHCM đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36.000 hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống người dân. Song song với vấn đề cải thiện đời sống và chỗ ở cho người dân sống trên và ven kênh rạch, còn là nhiệm vụ cải thiện môi trường vệ sinh, sức khỏe và cảnh quan cho toàn thành phố. 
TPHCM mạnh mẽ đổi thay ảnh 2                       Một khu dân cư mới bên sông Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG
Công tác chỉnh trang và phát triển đô thị là chủ trương của Đảng bộ thành phố, được thực hiện nhất quán và xuyên suốt. Vì thế, theo Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM sẽ tiếp tục và hoàn tất việc di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xen cài trong khu dân cư hiện hữu thành các khu dân cư mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị trong phạm vi 228ha tại 45 dự án. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Nam thành phố theo đúng quy hoạch.
Cũng trong năm nay sẽ khởi động nhanh, đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường, tái bố trí dân cư, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc và Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Công cuộc chỉnh trang đô thị còn rất nhiều đầu việc phải làm và không xa nữa, hình ảnh TPHCM với các đô thị khang trang, các tuyến metro dọc xuôi, những con đường trên cao, hệ thống cầu vượt liên hoàn sẽ góp phần giải quyết bài toán ách tắc giao thông. Từ cột mốc lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, chúng ta chờ đợi và hy vọng về một tương lai không xa, TPHCM sẽ vươn tầm cao hơn, xa hơn, xứng đáng là một đô thị lớn - trung tâm kinh tế, tài chính lớn của khu vực.'
Dự án nâng cấp đô thị TPHCM giai đoạn 2004 - 2014 theo hiệp định tín dụng được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Dự án đã giúp nâng cấp đồng bộ các hệ thống hạ tầng cơ sở ở 96 khu dân cư thu nhập thấp thuộc 58 phường trong và ngoài lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, qua địa bàn các quận 6, 11 và Tân Phú. Đồng thời, cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2, 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, bao gồm hạng mục lắp đặt 26.000m cống hộp và cống tròn để phục vụ thoát nước trên 56 đoạn đường huyết mạch của khu vực.

Tin cùng chuyên mục