TPHCM: Không tổ chức xếp lớp theo trình độ học sinh

Các trường phải tổ chức xếp lớp sao cho khoa học, phân bố đối tượng học sinh đủ mọi trình độ để giáo viên vận dụng triển khai đồng thời nhiều phương pháp, cũng như khuyến khích sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các học sinh...
Sáng 20-8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong năm học 2019-2020, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh và hoàn thiện công tác quản trị, quản lý nhà trường. Theo đó, tất cả hoạt động trong nhà trường cần được tổ chức công khai, minh bạch, trong đó bao gồm các công tác phân công, đánh giá thi đua, khen thưởng giáo viên, xếp lớp cho học sinh.
"Tôi thấy nhiều đơn vị đang có tình trạng xếp lớp theo kết quả học tập của học sinh, lấy điểm từ trên cao xuống thấp dẫn đến việc tồn tại một lớp học toàn học sinh lưu ban, gây khó cho giáo viên trong triển khai công tác giảng dạy. Thay vào đó, các trường phải tổ chức xếp lớp sao cho khoa học, phân bố đối tượng học sinh đủ mọi trình độ để giáo viên vận dụng triển khai đồng thời nhiều phương pháp, cũng như khuyến khích sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các học sinh", ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ. 
Ngoài ra, để nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý và tổ chức trường học, quy chế đổi mới kiểm tra, đánh giá trong các cơ sở cũng cần được chuẩn hóa, đảm bảo tính khoa học, khách quan. Riêng đối với các đề xuất sử dụng học bạ điện tử, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, cơ sở pháp lý để triển khai học bạ điện tử, đặc biệt trong công tác phối hợp liên ngành (như làm hồ sơ du học cho học sinh...) hiện nay chưa hoàn chỉnh do đòi hỏi nhiều yếu tố liên quan như chữ ký số, dữ liệu số, kho lưu trữ, liên thông... Do đó, trong năm học này, TPHCM vẫn vận hành song song hai hệ thống học bạ điện tử và học bạ truyền thống (giấy) để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
TPHCM: Không tổ chức xếp lớp theo trình độ học sinh ảnh 1 Một giờ lên lớp của học sinh Trường THCS Minh Đức (quận 1)
Bên cạnh đó, về công tác dạy và học ngoại ngữ, TP đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% học sinh THCS ra trường đạt chuẩn ngoại ngữ quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, Sở GD-ĐT yêu cẩu các cơ sở giáo dục nghiên cứu xây dựng ngân hàng đề thi, tổ chức khảo sát trực tuyến trình độ học sinh theo chuẩn quốc tế, đồng thời sử dụng đội ngũ giáo viên người bản ngữ đạt chuẩn về trình độ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở bậc phổ thông. 

Tin cùng chuyên mục