TPHCM: Khó khăn khi tổ chức, cá nhân chây ì thực hiện kết luận thanh tra

Ngày 20-8, UBND TPHCM vừa có báo cáo về tình hình thi hành pháp luật về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn TPHCM.


Chuyển cơ quan điều tra 15 vụ

Theo đó, từ 1-1-2018 đến 30-6-2019, qua thanh tra hành chính đã phát hiện 172/611 đơn vị có sai phạm; thu hồi về kinh tế hơn 1.035 tỷ đồng và 166.5m2 đất; xử lý kỷ luật hành chính 269 tổ chức và 610 cá nhân; đã chuyển cơ quan điều tra 8 vụ.

Đó là các vụ việc sai phạm liên quan đến dự án Bảy Hiền Tower; Dự án Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court, phường Tân Thuận Tây, Quận 7; Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc; tình hình hoạt động Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (đơn vị kinh tế đảng trực thuộc Thành ủy); Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC); 9 dự án phát triển mạng lưới cấp nước của Công ty Cổ phần cấp nước Trung An - Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV; Thanh tra lại kết luận số 536 ngày 25-10-2017 của Thanh tra Sở Tài chính; Thanh tra đột xuất về công tác quản lý nguồn kinh phí do chủ đầu tư thỏa thuận đóng góp kinh phí nâng cấp hẻm 74 Nguyễn Quý Anh, phường Tân Sơn Nhì.

Qua 19.320 cuộc thanh tra chuyên ngành cũng phát hiện sai phạm về tiền hơn 4,5 tỷ đồng, ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 136 tỷ đồng. Thanh tra cũng đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ do có hành vi kinh doanh dược liệu giả.

Trong số 1.755 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, có 7,58% vụ khiếu nại đúng, 66,55% có đúng có sai và 25,87% có đúng có sai. Trong số 218 đơn tố cáo có 8,72% đơn tố cáo đúng, 68,35% tố cáo sai; 22,93% đơn có đúng có sai.

Đối tượng thanh tra chây ì, không hợp tác

Một số khó khăn vướng mắc TPHCM nêu ra trong công tác thanh tra là việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị, kết luận sau thanh tra đối với các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cố tình chây ì rất khó khăn.

Có những cuộc thanh tra phát sinh nhiều tình tiết phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp, cung cấp thông tin, hồ sơ của nhiều cơ quan, đơn vị… hoặc đối tượng thanh tra cố tình không hợp tác, không cung cấp hồ sơ nhưng chưa có biện pháp chế tài xử lý kèm theo.

Ngoài ra, việc thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra chưa được triển khai hiệu quả (phong tỏa tài khoản, kiểm kê tài sản, nhất là tiền mặt…). 

Đặc biệt, việc xử lý, giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị còn lòng vòng, bởi có những vụ việc quận-huyện đã có nhiều Văn bản trả lời nhưng cơ quan cấp thành phố nhận đơn vẫn chuyển lại về quận-huyện vì không có quy định về thẩm quyền giải quyết tiếp theo.

Từ những thực tế trên, TPHCM có đề xuất thúc đẩy việc triển khai sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ xây dựng.

Ngoài ra, kiến nghị các cơ quan Trung ương hỗ trợ TPHCM trong việc tiếp xúc, vận động, giải thích để người dân hiểu, thông suốt và đồng thuận với phương án giải quyết của thành phố theo chỉ đạo và đã được Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ xem xét, chấp thuận;

Đồng thời, TPHCM cũng đề xuất các cơ quan trung ương trên cơ sở trao đổi với thành phố, hạn chế việc tiếp nhận, chuyển đơn về thành phố xem xét, xử lý đối với các khiếu nại, tố cáo đã được các ngành, các cấp thành phố giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý và xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp tụ tập đông người, gây áp lực, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, an ninh trật tự.

Tin cùng chuyên mục