TPHCM công bố nhóm sản phẩm chủ lực: Đưa sản phẩm ngang tầm thế giới

Ngày 20-10, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị công bố “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố và sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố giai đoạn 2018 - 2020”.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm và đại diện các sở ban ngành cùng khoảng 500 doanh nghiệp (DN) đã đến tham dự hội nghị.

Phát triển sản phẩm tiềm năng thành chủ lực

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho biết, thời gian qua, ngành công nghiệp trên địa bàn đã có những bước phát triển đáng kể, giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp ước tăng 7,52%; đóng góp 1,49 điểm phần trăm trong mức tăng chung 8,25% GRDP của TP; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 ước tăng 7,9% so với năm 2016 và IIP 9 tháng năm 2018 ước tăng 7,89% so với cùng kỳ.

“Đây là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây, đóng góp quan trọng vào kinh tế TP, nhiều DN công nghiệp đã tạo dựng thương hiệu mạnh, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Phạm Thành Kiên vui mừng thông báo.

Tuy nhiên, đứng trước tiềm năng và dư địa phát triển, từ chỉ đạo của Thành ủy TPHCM và UBND TP, Sở Công thương đã tham mưu xây dựng, đề xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn để tập trung hỗ trợ phát triển làm động lực cho toàn ngành công nghiệp phát triển. Sau nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, hội ngành nghề và DN, sở đã xác định được 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng và được UBND TP chấp thuận ban hành Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TPHCM giai đoạn 2018 - 2020. Đây là các nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, năng lực sản xuất lớn, có tiềm năng thị trường trong nước hoặc xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho tổng sản phẩm nội địa và phát triển kinh tế của TP.

TPHCM công bố nhóm sản phẩm chủ lực: Đưa sản phẩm ngang tầm thế giới ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm gian hàng của doanh nghiệp có sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố. Ảnh: VGP
Đánh giá về tầm quan trọng của sự ra đời nhóm sản phẩm chủ lực vừa công bố, ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Đại Dũng, chuyên sản xuất kết cấu thép, cho rằng DN đã có nhiều cung cấp, xây dựng cho nhiều công trình phát triển hạ tầng trong và ngoài nước. Tuy DN đã “lớn” nhưng vẫn chưa đủ kinh nghiệm quản lý, chưa đủ năng lực để vươn ra thị trường thế giới. Do vậy, thông qua chương trình này DN kỳ vọng UBND TP có thêm nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, vay vốn ưu đãi để DN mở rộng thị trường ra nước ngoài, công nhân được đào tạo có bằng cấp quốc tế để sản xuất những đơn hàng từ nước ngoài. Từ đó, DN sẽ nâng cao chất lượng, năng lực để giảm giá thành sản xuất có thể cạnh tranh được các DN nước ngoài. Song song đó, TP cần ưu tiên cho DN được tham gia, thực hiện các cơ sở hạ tầng trên địa bàn nhằm tạo đà phát triển, tạo công việc làm cho công nhân.
Tương tự, ông Lê Quang Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Duy Tân, chia sẻ, TPHCM có sản phẩm chủ lực, sẽ là tiền đề tạo nền tảng cơ sở để đánh giá, so sánh với sản phẩm trên thế giới. Tuy nhiên, để chương trình đi vào cuộc sống, cần tăng cường thêm sự hỗ trợ từ các sở ban ngành và nhất là sự dẫn dắt của UBND TPHCM để tạo điều kiện hơn nữa cho DN kết nối cung cầu trong nước để có cơ hội xuất khẩu quảng bá thương hiệu không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài.

“Sản phẩm chủ lực sẽ tạo động lực cho DN phát triển hơn nữa, đồng thời đưa kinh tế - xã hội TP được phát triển bền vững”, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Food, nhận định.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, hiện nay ngành thực phẩm đang phải đối phó với tình trạng thực phẩm không an toàn. Tuy “tuổi nghề” chưa nhiều, nhưng hiện DN đang phát triển song song 2 thị trường. Đối với thị trường trong nước, DN đang cố gắng mang đến nhiều sản phẩm mới. Một ưu điểm vượt trội của DN là sản xuất thực phẩm đạt chất lượng tốt nhất nhưng giá chỉ 1/3 so với sản phẩm tương tự được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, bao bì DN phải nhập khẩu từ nước ngoài do giá thành sản xuất bao bì trong nước còn cao. Hy vọng, việc hình thành nhóm sản phẩm chủ lực sẽ đẩy lùi được thực phẩm “bẩn” qua các kênh truyền thông để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, từ những chính sách hỗ trợ sản phẩm chủ lực, DN tin chắc rằng sẽ mở rộng sang thị trường các nước lân cận Lào, Campuchia và đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

“Đây là hội nghị đầu tiên của TPHCM từ trước đến nay, khái quát một bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp, nông nghiệp; giúp TP cũng như các sở, ngành, quận, huyện, DN biết được tình hình chung và các thế mạnh của TP. Đặc biệt, các nhóm sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực được xác định càng có ý nghĩa hơn khi TP đang đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sản phẩm chủ lực ngành công nghiệp chiếm 54% giá trị toàn ngành công nghiệp; sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp chiếm 61% giá trị toàn ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ lực còn đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu..."

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Hướng đến sản phẩm chủ lực

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho biết, nhóm sản phẩm chủ lực đều do DN có trụ sở chính tại TP; có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao; có thiết kế sáng tạo, tính ưu việt; có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài đáp ứng các tiêu chí chung, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí riêng của từng ngành đang được sản xuất tại DN và do các hội ngành nghề đề xuất.

Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP được lựa chọn có đóng góp lớn vào cơ cấu ngành công nghiệp TP, chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất từ 5% trở lên so với toàn ngành công nghiệp. Để hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển, Sở Công thương nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ, tập trung nguồn lực để hỗ trợ các nhóm sản phẩm này tiếp tục phát triển, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và làm động lực cho toàn ngành công nghiệp. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn về mặt bằng, về cơ chế vốn, về khoa học - công nghệ, về đào tạo nhân lực, về xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu. Các sở, ban, ngành phối hợp tích cực trong việc triển khai các chính sách trên đến các DN.

Tương tự, nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp ngoài có tỷ trọng và giá trị cao, còn phải có khả năng mở rộng sản xuất giống, phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân khu vực nông thôn ngoại thành trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn TP và có khả năng cạnh tranh phát triển; phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm có tiềm năng mở rộng thị trường sản xuất giống cung cấp cho TP và các tỉnh; có điều kiện tham gia các chuỗi liên kết và cung ứng, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Có lợi nhuận, giá trị tăng cao; có hiệu quả xã hội và giải pháp giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP, cho biết sở đã phối hợp với các ban ngành xây dựng ban hành các cơ chế chính sách phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực. Về vốn, UBND TP đã có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TPHCM được hỗ trợ vay vốn từ 60% - 100% tùy theo ngành nghề. Các thông tin về chính sách hỗ trợ đều được thông tin trên trang sở, trung tâm trực thuộc sở.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Công thương, Sở NN-PTNT tập trung đẩy mạnh, tuyên truyền định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tạo sự lan tỏa thêm cho phong trào hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và phát triển các sản phẩm tiềm năng thành các sản phẩm chủ lực. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực để kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Song song đó, nghiên cứu, đề xuất bổ sung danh mục nhóm sản phẩm dịch vụ chủ lực ở 4 ngành gồm khách sạn - nhà hàng, ăn uống; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; giải trí. Góp phần đưa ra một bức tranh toàn cảnh về các thế mạnh của TP. Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp Sở Công thương, Sở NN-PTNT xây dựng chương trình đổi mới công nghệ cho 1,4% doanh nghiệp lớn của TP gắn với các sản phẩm chủ lực và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo sự vượt trội về năng suất lao động.

Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm: Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; sản phẩm thực phẩm chế biến; sản phẩm đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; sản phẩm trang phục may sẵn. Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng gồm sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu. Nhóm sản phẩm cây trồng chủ lực là rau và hoa, cây kiểng; nhóm sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò sữa (con giống, sữa) và heo (con giống, thịt); nhóm sản phẩm thủy sản chủ lực là tôm nước lợ (cá cảnh xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng).

Tin cùng chuyên mục