TPHCM chủ động hợp tác liên kết du lịch tiểu vùng sông Mê Kông

Kết nối thế mạnh du lịch
TPHCM chủ động hợp tác liên kết du lịch tiểu vùng sông Mê Kông

Chiều tối 13-9, Hội nghị thị trưởng các thành phố du lịch tiểu vùng sông Mê Kông năm 2012 do UBND TPHCM tổ chức đã diễn ra tại khách sạn Rex (TPHCM). Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì hội nghị cùng với sự tham dự của ngài Kep Chuk Tema, Đô trưởng thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia và ngài Say Thong Keodovandy, Phó Đô trưởng thủ đô Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân trao đổi với lãnh đạo thủ đô Phnom Penh và thủ đô Vientiane.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân trao đổi với lãnh đạo thủ đô Phnom Penh và thủ đô Vientiane.

Tại hội nghị, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết, Hội nghị thị trưởng các thành phố du lịch tiểu vùng sông Mê Kông lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ ITE HCM 2012 theo sáng kiến của TPHCM với mục tiêu chính thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững, góp phần liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các thành phố trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông như là một điểm đến du lịch, tăng tính hấp dẫn du lịch chung của các tiểu vùng.

TPHCM là đô thị đặc biệt của VN, là cửa ngõ giao thông quan trọng của quốc gia và các nước trên thế giới. Có cơ sở vật chất phục vụ du lịch tốt, trong những năm gần đây cùng với đà tăng trưởng của du lịch VN, ngành du lịch TPHCM đã có những bước phát triển ấn tượng, chiếm tỷ trọng 58% - 60% lượng khách quốc tế đến VN, doanh thu du lịch tăng bình quân trên 30%/năm, chiếm 43% doanh thu du lịch của cả nước và đóng góp 11% vào GDP của TP.

Hiện nay, mỗi ngày có hơn 30 lượt xe du lịch qua lại giữa TPHCM - Phnom Penh và có khoảng 7 - 8 chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Siêm Riệp (Campuchia). Hoạt động giao lưu thương mại, du lịch giữa TPHCM với Phnom Penh, Siêm Riệp khá thuận lợi. Riêng tuyến du lịch đường bộ, hàng không từ TPHCM đi Vientiane (Lào) vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có đường bay thẳng từ TPHCM - Vientiane, phải quá cảnh ở Siêm Riệp. Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết, Bộ Giao thông Vận tải VN đang nghiên cứu mở đường bay trực tiếp TPHCM - Vientiane vào năm 2013. Điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động thương mại, du lịch giữa 3 thành phố, nhất là khi 3 nước đã bỏ phí visa cho khách du lịch từ 3 nước.

Sau thảo luận, lãnh đạo 3 thành phố đã ký tuyên bố chung. Cụ thể, mỗi năm tổ chức một lần Hội nghị thị trưởng các thành phố du lịch thuộc tiểu vùng sông Mê Kông và mở rộng trên cơ sở tự nguyện vào dịp tổ chức ITE HCM. Hội nghị thị trưởng được tổ chức nhằm cụ thể hóa việc hợp tác phát triển du lịch giữa các thành phố du lịch trọng điểm trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Hội nghị sẽ tạo cơ hội cho các thành phố trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết phát triển sản phẩm du lịch tạo mối liên kết, tạo động lực cho sự hợp tác toàn diện về kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, khoa học… Ngoài ra, thông qua hội nghị, các thành phố sẽ tăng cường hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, thúc đẩy giao lưu văn hóa, góp phần vào việc gìn giữ các giá trị văn hóa, phong tục và truyền thống của mỗi nước.

Mỹ Hạnh


Kết nối thế mạnh du lịch

Một chuyến đi đến được nhiều quốc gia đã trở thành xu hướng của du lịch thế giới. Từ sự kiện Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM (ITE HCM) đầu tiên được TPHCM tổ chức cách đây 7 năm, Việt Nam đã dần kết nối, xây dựng một điểm đến chung cho nhiều nước trong khu vực ASEAN. Từ “3 quốc gia - 1 điểm đến” ban đầu với sự tham gia của Campuchia, Lào, Việt Nam, đến nay, điểm đến chung có 4 nước, với sự tham gia của Myanmar. Du lịch các nước tiểu vùng sông Mê Kông đang hình thành một chuỗi liên kết để trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có ngành du lịch phát triển năng động nhất thế giới.

Doanh nghiệp du lịch Nga tìm hiểu thị trường tại ITE HCM 2012.

Doanh nghiệp du lịch Nga tìm hiểu thị trường tại ITE HCM 2012.

Phát biểu tại lễ khai mạc ITE HCM 2012 diễn ra tối 12-9 tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng ITE HCM không chỉ là ngày hội của các doanh nghiệp (DN) du lịch và người dân TPHCM mà còn là cơ hội giao lưu, tìm hiểu và mở rộng kinh doanh giữa các DN du lịch VN với DN du lịch của các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Thông điệp “4 quốc gia - 1 điểm đến” gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) không chỉ phản ánh cam kết hợp tác giữa các quốc gia có quan hệ láng giềng, gần gũi về địa lý, văn hóa mà còn là xu thế hợp tác, nhu cầu hội nhập hướng tới lợi ích chung cho khu vực và mỗi quốc gia.

Thời gian qua, hợp tác du lịch giữa 4 nước đã đạt được nhiều kết quả rất khích lệ. Năm 2011, tổng lượng khách quốc tế đến vùng CLMV đạt 11 triệu lượt khách, tăng hơn 14% so với năm 2010. Trong đó, trao đổi khách giữa 4 nước đạt 1,8 triệu lượt khách, chiếm 16,3% tổng lượng khách tới 4 nước.

Với sự kiện ITE HCM diễn ra hàng năm trong 7 năm qua, ITE HCM đã thật sự trở thành cầu nối đưa sản phẩm du lịch VN và các nước láng giềng tiếp cận thị trường nước ngoài một cách sâu rộng hơn. Và đặc biệt, thúc đẩy du lịch nội vùng giữa các nước trong khu vực. Thành công rõ nhất từ sự hợp tác liên kết này là sự tăng trưởng khách đột biến từ thị trường VN sang Campuchia. Khách VN đã vượt qua khách Hàn Quốc dẫn đầu khách quốc tế đến Campuchia trong 3 năm trở lại đây. Không chỉ có khách VN, với sự hợp tác, giao thương, giao thông thuận lợi giữa 2 nước, TPHCM của VN cũng là cầu nối đưa khách quốc tế đến tham quan Campuchia và Lào.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá, với sự đa dạng trong bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch có nhiều khác biệt, du lịch CLMV không chỉ tạo sức hấp dẫn thu hút khách giữa 4 nước với nhau mà còn thu hút khách từ thị trường thứ 3 ở bên ngoài. Thế mạnh của du lịch VN đã kết nối các đường bay trong nước và quốc tế đạt quy mô, tốc độ tốt hơn so với các nước. Sản phẩm du lịch của VN có sự khác biệt, đặc biệt là du lịch biển và du lịch phố (city tour). Ngoài ra, cơ sở vật chất về du lịch VN đầu tư mạnh hơn so với các nước.

Với thế mạnh trên, VN có thể trở thành điểm tiếp nhận, đón trả khách cho các nước trong vùng đối với thị trường bên ngoài. Quá trình hợp tác du lịch giữa các nước CLMV ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành du lịch 4 nước cũng thống nhất cho rằng cần có những chính sách thiết thực hơn để khuyến khích công dân các nước trong khu vực đi du lịch nhiều hơn; phối hợp xây dựng các chương trình du lịch kết nối giữa các nước, tập trung các tuyến du lịch dọc sông Mê Kông, tuyến đường biển hành lang phía Nam, hành lang biên giới, tuyến đường bộ Đông Tây; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến chung để nâng cao hình ảnh “4 quốc gia - 1 điểm đến”.

* Trong ngày đầu diễn ra hội chợ ITE HCM ở Trung tâm Hội chợ, triển lãm quốc tế Sài Gòn (SECC) ở quận 7, TPHCM, nhiều DN lữ hành quốc tế ở các thị trường nước ngoài đến tìm hiểu, trao đổi khá đông. Trong đó, nổi lên là DN đến từ thị trường châu Âu, chủ yếu từ Nga, Kazakhstan… Đây là thị trường khá tiềm năng đối với du lịch VN và vùng CLMV.

  • Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2012

Ngày 13-9, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM - ITE HCM 2012, UBND TP Hải Phòng đã họp báo giới thiệu Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, với chủ đề “Văn minh sông Hồng” do Hải Phòng đăng cai tổ chức. Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết, Năm du lịch quốc gia 2013 sẽ diễn ra suốt cả năm 2013 tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc và một số tỉnh lân cận như Phú Thọ, Bắc Giang. Theo đó, sẽ có 23 sự kiện văn hóa, du lịch cấp quốc gia do Bộ VH-TT-DL tổ chức, tại Hải Phòng có 12 sự kiện và 32 sự kiện tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng. Riêng tại TP Hải Phòng - nơi diễn ra các hoạt động chính, điểm nhấn sẽ được tập trung ở 2 trọng điểm du lịch là Đồ Sơn và Cát Bà.

Hà Nhai

Tin cùng chuyên mục