TPHCM bám sát thực tiễn và từ thực tiễn để hình thành tư duy mới, cách làm mới

* Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU:
TPHCM bám sát thực tiễn và từ thực tiễn để hình thành tư duy mới, cách làm mới

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu:

Chỉ còn ít ngày nữa đến lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong mỗi chúng ta, ngày 30-4-1975 như vẫn còn hiển hiện nóng hổi, thôi thúc và xao xuyến lòng người. Đối với thế hệ hôm nay và mai sau, ngày 30-4 lịch sử là thời khắc thiêng liêng, sẽ mãi mãi là biểu tượng rực rỡ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân ta - một trong những trang chói lọi nhất, có tính chất thời đại sâu sắc trong lịch sử dân tộc ta. Trong thắng lợi chung đó có sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu”.

Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng bày tỏ cảm xúc của mình với PV Báo SGGP nhân ngày lịch sử của dân tộc và trao đổi về loạt bài “Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển” (đăng trên báo SGGP từ ngày 10-4 đến ngày 24-4).

Để hiểu rõ hơn những giá trị đạt được từ đổi mới nhiều năm qua, phải nhìn và đánh giá TPHCM ở những nỗ lực, cố gắng và đi đầu sáng tạo trong thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước với những thành tựu to lớn, tạo ra những chuyển biến sâu sắc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thành phố từ một trung tâm tiêu thụ, ăn chơi của chế độ cũ đã trở thành một thành phố sản xuất với một lớp người lao động mới. Những năm đầu sau giải phóng, trong khi phải liên tục đương đầu với rất nhiều khó khăn, phức tạp do hậu quả của cuộc chiến tranh và chế độ cũ để lại, do hoạt động phá hoại của kẻ địch trong chiến tranh biên giới Tây Nam và tất nhiên còn do nhận thức có phần hạn chế, nhưng TPHCM vẫn tạo ra những bước đột phá để phát triển đi lên và có tiến bộ về nhiều mặt.

Bài học “Vì hạnh phúc của nhân dân”

* Phóng viên: Sau 30 năm đổi mới, thành tựu quan trọng nhất mà TPHCM đạt được là gì, đâu là những bài học kinh nghiệm quý báu cần rút ra, thưa đồng chí?

TPHCM bám sát thực tiễn và từ thực tiễn để hình thành tư duy mới, cách làm mới ảnh 1

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi người dân TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU: Tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành địa phương “đi trước” và đang phấn đấu “về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các thế hệ lãnh đạo của TPHCM đã luôn bám sát thực tiễn và chính từ thực tiễn đã hình thành tư duy mới, cách làm mới, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế. Từ đổi mới trong lĩnh vực kinh tế đến đổi mới trong quản lý xã hội, đổi mới công tác vận động nhân dân và xây dựng Đảng. Thành phố đã đề ra những giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt và cả những thách thức đặt ra lâu dài. Lấy ví dụ về việc đưa ra chủ trương “lo gạo, lo củi” và đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Những năm sau giải phóng với vô vàn những khó khăn, đói kém, thiếu thốn chồng chất do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hàng chục năm để lại, mới thấy cách chọn tìm hướng giải quyết những khó khăn của TPHCM được bắt đầu từ dân, từ những vấn đề thiết thực nhất của đời sống xã hội mà người dân đặt ra. Hay vấn đề đổi mới tư duy về kinh tế cũng vậy, Nghị quyết Đại hội VI (năm 1986) của Đảng nói đổi mới toàn diện, trong đó có tư duy kinh tế, nhưng đổi mới từ đâu, bằng cách nào thì TPHCM là một trong số ít địa phương đi đầu, làm trước cả nước và đã có câu trả lời hiệu quả của cách làm từ thực tiễn.

Về bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn của TPHCM - theo tôi là rất nhiều và rất sinh động. Trong đó, bài học kinh nghiệm có tác động sâu sắc đến xã hội nhất, đó là gần dân, gắn bó máu thịt với dân và biết lắng nghe dân, lo cho dân của lãnh đạo TPHCM các thời kỳ “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Không chỉ khó khăn về cơm áo, gạo tiền của những năm sau giải phóng, mà rất nhiều vấn đề gai góc, phức tạp trong đời sống xã hội và trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố. Nhờ bám thực tiễn, bám dân, gần dân, lắng nghe tiếng nói của dân mà TPHCM có cách giải quyết tốt nhất. Tôi nghĩ, đây mới là bài học sâu sắc và quý báu nhất cần đúc kết, đánh giá để làm bài học chung trong công tác lãnh đạo, điều hành và quản lý xã hội của các địa phương trong cả nước và của cả hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp cần hướng đến.

* Từ thực tiễn phát triển, đâu là những đặc tính nổi bật và có ý nghĩa nhất đối với TPHCM, thưa đồng chí?

* Nói đến TPHCM, trước tiên cần khẳng định thế mạnh đã thành truyền thống của Đảng bộ TPHCM là tinh thần cách mạng tiến công, ý thức tự lực cao, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, dám chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng và nhân dân trong việc vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với quy luật phát triển, sát với thực tiễn địa phương và sát với cuộc sống của nhân dân, được đông đảo quần chúng đồng tình, ủng hộ. Như chúng ta biết, để khẳng định cái mới là hay, là đúng không dễ chút nào. Người đi tiên phong thường phải đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy, nhưng họ dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh dạn nhận trách nhiệm về mình khi có sai lầm để sửa và đưa ra hướng đi đúng, phù hợp mới là người có bản lĩnh. Các thế hệ lãnh đạo TPHCM đã có được bản lĩnh đó.

Sáng tạo thể chế kinh tế từ đòi hỏi thực tiễn của đời sống kinh tế

* Trong những bước chuyển của nền kinh tế ở nhiều thời kỳ khác nhau, đồng chí thấy bước chuyển nào là quan trọng nhất, đã tạo ra bước ngoặt để đất nước vượt qua khó khăn, khủng hoảng, đi lên?

* Từ thực tiễn của TPHCM cho thấy, bước chuyển nào cũng quan trọng và tạo ra bước ngoặt. Có những vấn đề đã chín muồi và nhận ra nó để chủ động thay đổi mới là quan trọng. Trong đó, bước chuyển đầu tiên là chuyển từ sản xuất theo mệnh lệnh kế hoạch từ trên xuống sang sản xuất theo yêu cầu bức xúc của đời sống xã hội. Đây là bước chuyển rất quan trọng bởi như chúng ta biết, cái cũ, cái lạc hậu của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung do duy trì quá lâu nên làm cản trở rất lớn tiến trình phát triển đất nước. Thế nhưng, chuyển như thế nào, từ đâu, thời điểm nào là vấn đề không dễ chút nào. Chỉ có bám sát thực tiễn, từ thực tiễn mới thấy được cơ hội, tính cấp bách và cách làm sáng tạo để tạo nên bước chuyển mới. Hay bước chuyển về đa dạng hóa các hình thức sở hữu, từ đơn sở hữu sang đa sở hữu; từ đơn thành phần kinh tế sang đa thành phần kinh tế. Nếu TPHCM và một số địa phương không đi trước, mở đường làm trước thì đâu nhìn thấy được cái mới, cái tiến bộ để từ đó phát triển. Một bước chuyển quan trọng khác mà thực tiễn của TPHCM mở ra trước, đó là bước chuyển về tổ chức quản lý. Kinh nghiệm và cách làm từ phương thức quản lý mới của TPHCM là chất liệu sống sinh động, đầy tính sáng tạo, góp phần giúp cả nước thấy được những nhược điểm, yếu kém, trì trệ của cơ chế quản lý cũ để mạnh dạn sang cơ chế mới, cơ chế thị trường định hướng XHCN.

* Đóng góp của TPHCM trong đổi mới cơ chế để tạo ra bước chuyển nền kinh tế là gì, thưa đồng chí?

* Từ thực tiễn phát triển, TPHCM đã đóng góp rất quan trọng trong quá trình hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế từ việc hình thành, xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đến nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ những mô hình sáng tạo, cách làm táo bạo mang tính đột phá, kể cả những ý tưởng thử nghiệm trong thực tiễn của TPHCM đã đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong tiến trình đổi mới cơ chế để tạo ra những bước chuyển quan trọng của nền kinh tế. Một trong những đóng góp nổi bật là mạnh dạn đưa ra các chế định cho các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở pháp lý nhằm củng cố niềm tin cho khu vực tư nhân đầu tư kinh doanh; xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện các chính sách kinh tế mở và mạnh dạn thí điểm các chế định vận hành thị trường, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển. Hay đóng góp của TPHCM trong phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước để bình ổn giá trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường, cũng được cho là đóng góp rất có ý nghĩa góp phần kiểm soát lạm phát.

Thí dụ: Xây dựng khu công nghiệp tập trung, hướng xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở (14 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất), một điển hình thành công về mô hình xây dựng khu chế xuất của Việt Nam.

Chủ động hơn, tích cực hơn để tiếp tục “đi trước” và “về đích trước”

* Trọng tâm của những vấn đề lớn trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mà thực tiễn TPHCM cần có những kiến giải với Trung ương là gì, thưa đồng chí?

* Thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có rất nhiều vấn đề đặt ra cho TPHCM cần tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn cho đất nước. Đó là các vấn đề về tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ trung ương đến địa phương trong điều kiện vận hành của thị trường; về sử dụng các công cụ kinh tế thị trường không mâu thuẫn với tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa trong mô hình kinh tế của nước ta; về sự xung đột và mâu thuẫn lợi ích giữa các chủ thể khác nhau làm xuất hiện các nhóm lợi ích tác động đến chính sách và thể chế quản lý… Những vấn đề đó đặt ra cho TPHCM cần có những kiến giải, đóng góp mang tính chủ động và tích cực hơn nữa với Trung ương, để quá trình vận dụng vào thực tiễn trong cả nước đạt hiệu quả thiết thực hơn.

* Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí căn dặn gì với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố?

* 40 năm qua là cả một chặng đường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM với những nỗ lực của mình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và sau hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đại hội VII (năm 1991) của Đảng đề ra, TPHCM đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Đã đóng góp 30% ngân sách quốc gia; GDP đạt 5.100 USD/người; quan hệ đối ngoại và kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như các lĩnh vực khác đã gây được lòng tin và sự ngưỡng mộ, qua đó mà hình ảnh của Việt Nam càng được nhân dân trên thế giới mến phục. Thế nhưng, thách thức và những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế và một số lĩnh vực khác không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, TPHCM cần phát huy hơn truyền thống cách mạng kiên cường với những bài học, những kinh nghiệm quý báu, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết toàn dân toàn Đảng.

Sáng tạo trong cách làm, tư duy trong tìm tòi để kiến tạo hướng đi mới và chấp nhận cả những va vấp, gai góc, trở ngại khi thử nghiệm những mô hình kinh tế từ thực tiễn trong quá trình phát triển của mình. Nếu sợ sai, sợ bị kỷ luật, sợ mất chức thì những người lãnh đạo của TPHCM đã không mạnh dạn đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực của cả nước. Mỗi bước đường phát triển của TPHCM giúp cả nước nhìn thấy cơ hội phát triển mới, tạo ra những bước chuyển của nền kinh tế đất nước.

Nghĩ được, làm được như vậy, đó chính là vừa kế thừa lịch sử 300 năm hình thành thành phố Sài Gòn nay là TPHCM mà còn thừa hưởng di sản hàng ngàn năm của lịch sử Việt Nam, từ đó kết tinh sức mạnh tổng hợp thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và phát triển TPHCM giàu mạnh, văn minh, hiện đại xã hội chủ nghĩa.

* Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀI NAM - TUẤN SƠN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục