TP Hồ Chí Minh: Ra quân kiểm tra hàng dỏm

* Hàng nhái, hàng giả tràn lan
Ngày 10-5, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đồng loạt ra quân kiểm tra 20 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng có dấu hiệu giả mạo tại chợ Bến Thành (quận 1), bao gồm: mắt kính thời trang, túi xách, đồng hồ đeo tay… 

Tại thời điểm kiểm tra, người bán hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ; đồng thời khai báo nguồn hàng được nhập về từ Trung Quốc. Giá bán dao động từ 120.000 - 1,4 triệu đồng/sản phẩm, tùy loại, gồm các thương hiệu như Chanel, Dior, Hermes, H&M, Louis Vuitton, Rolex… Lãnh đạo Chi cục QLTT TP cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, xử phạt gần 60 vụ kinh doanh hàng giả, hàng lậu, với số tiền xử phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, QLTT cũng đã tiến hành tiêu hủy lô hàng vi phạm (nhập lậu, hàng giả mạo…) trị giá trên 5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM, việc đồng loạt ra quân kiểm tra đợt này nằm trong kế hoạch đẩy lùi hàng giả, hàng nhái trên địa bàn TP. Hơn nữa, chợ Bến Thành là “bộ mặt” của TP, là điểm đến thường xuyên thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nên việc kiểm tra, giám sát cũng được QLTT TP thắt chặt. 
TP Hồ Chí Minh: Ra quân kiểm tra hàng dỏm ảnh 1 Lô hàng giả mạo, hàng nhái thương hiệu bị QLTT TPHCM phát hiện, tạm giữ
 * Cùng ngày, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Nâng cao nhận thức về thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, do Cục QLTT - Bộ Công thương phối hợp với Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) tổ chức. Tại cuộc họp, đại diện Kotra đã liên tục phản ánh thực trạng hàng nhái, hàng giả tung hoành ở Việt Nam. Điển hình, một số thương hiệu như bánh Orion Choco-Pie hay chuỗi cửa hàng Mumuso… bị nhái, giả mạo khá nhiều, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của mà các nhà đầu tư Hàn Quốc nhắm tới. Ví dụ, đối với tập đoàn bánh kẹo Orion, doanh thu toàn cầu năm qua ước đạt hơn 2 tỷ USD, nhưng riêng  doanh thu ở Việt Nam đã đạt khoảng 300 triệu USD. 

Thống kê của Kotra cho thấy, số lượng các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao gấp 8 lần so với doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan ở Việt Nam được Kotra lý giải, do nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ chồng chéo, thủ tục nhiều bất cập, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam chưa được nâng cao… Do vậy, phía Kotra đề xuất các cơ quan chuyên trách của nước ta nên tăng cường các biện pháp chế tài, cũng như nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật - hàng giả.

Trao đổi tại cuộc họp, ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT phụ trách phía Nam thẳng thắn thừa nhận có nhiều bất cập trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Tuy nhiên, ông Trần Hùng cũng khẳng định lực lượng chuyên trách QLTT đã và đang nỗ lực đẩy lùi vấn nạn này.  

Tin cùng chuyên mục