TP Hồ Chí Minh: Khẩn trương xử lý 40 điểm sạt lở

Trước tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch diễn biến ngày càng phức tạp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện khẩn trương xử lý, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Sạt lở tại huyện Nhà Bè
Sạt lở tại huyện Nhà Bè
Ổn định cuộc sống người dân

Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Trần Văn Giàu cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở ở Rạch Tôm thuộc ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP, đơn vị đã gia cố khẩn cấp, lấp hố xoáy dưới lòng rạch nhằm ngăn tình trạng xói lở tiếp tục lan rộng. Tuy nhiên, những ngày gần đây mưa lớn khiến mực nước đang dâng cao và khi nước rút sẽ làm nền đất ven bờ rạch dễ bị sạt xuống. Về lâu dài, Sở GTVT TP đã giao cho đơn vị nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ, chống sạt lở khu vực nói trên. UBND TP cho tạm ứng 300 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách TP thuê đơn vị tư vấn đánh giá toàn diện để có phương án xây dựng công trình. 

Trong thời gian chờ thực hiện dự án, Khu Quản lý đường thủy nội địa kiến nghị UBND xã Nhơn Đức, UBND huyện Nhà Bè chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện ngay việc vận động, di dời tài sản và bố trí nơi tạm trú an toàn cho các hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; rào chắn toàn bộ khu vực không để người và phương tiện lưu thông qua lại; theo dõi sát diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu cho biết, huyện đã hỗ trợ kinh phí 1,5 triệu đồng tiền nhà trọ trong vòng 3 tháng và bố trí nơi ở tạm cho 5 hộ dân bị ảnh hưởng. UBND xã Hiệp Phước đã di dời 3 hộ dân còn lại sang nơi ở mới, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng để xây nhà. Liên quan đến việc bố trí nơi ở mới cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, huyện cũng bố trí khu đất tái định cư cho các hộ dân ảnh hưởng sạt lở và biến đổi khí hậu đã được TP phê duyệt ở xã Hiệp Phước. Khu tái định cư này dự kiến là nơi ở của 270 hộ dân với trên 1.500 nhân khẩu. Dự kiến trong tháng 9-2017, 50 hộ đầu tiên sẽ được nhận đất, xây nhà mới. 

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, nên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa yêu cầu Sở GTVT TP chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP và các sở ngành, UBND các quận, huyện kiểm tra, khảo sát lại tất cả các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, nhất là các vị trí đặc biệt nguy hiểm và đề xuất giải pháp xử lý, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong đó, tổ chức khảo sát trực tiếp 40 vị trí sạt lở, rà soát các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và tổ chức di dời dân; kiến nghị các giải pháp (trong đó có đề xuất cơ chế thực hiện) để tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, thời hạn trước ngày 15-8-2017. Đồng thời, sớm đề xuất kế hoạch nghiên cứu chuyên sâu, khoa học về diễn biến sạt lở trên địa bàn TP để đảm bảo tính chủ động trong công tác phòng, chống sạt lở trong giai đoạn tiếp theo.

Sở GTVT TP làm việc trực tiếp với Khu Quản lý Đường thủy nội địa để rà soát chi tiết từng dự án (tiến độ, vốn, cơ chế thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng) do đơn vị này làm chủ đầu tư (22 dự án); đánh giá nguyên nhân các công trình chậm hoàn thành đưa vào sử dụng; báo cáo đề xuất giải pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sớm hoàn thành các dự án. Đảm bảo năm 2017 hoàn thành tối thiểu 3 dự án, các dự án còn lại phải hoàn thành trong năm 2018; đồng thời yêu cầu các quận, huyện được giao làm chủ đầu tư các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch (15 dự án) phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Đối với vị trí sạt lở tại tổ 4, ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (thuộc dự án Chống sạt lở bờ tả rạch Giồng - sông Kinh Lộ), vào ngày 27-6-2017, UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở GTVT và Sở NN-PTNT nghiên cứu các quy định để thực hiện dự án này và các dự án có tính cấp bách khác theo cơ chế đặc thù; hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện nhưng phải đảm bảo theo các quy định pháp luật hiện hành và báo cáo UBND TP trong 10 ngày làm việc. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để triển khai các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch đến năm 2020 (trước mắt năm 2017 bổ sung thêm nguồn vốn cho chương trình này khoảng 20 tỷ đồng) và tạm ứng 10 tỷ đồng để triển khai thi công dự án Chống sạt lở bờ tả rạch Giồng - sông Kinh Lộ. 

UBND quận, huyện tập trung đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho tất cả các chủ đầu tư trước ngày 1-1-2018 nhằm khẩn trương thi công hoàn thành dự án trong năm 2018.

Tin cùng chuyên mục