Tổng thống Vladimir Putin và mục tiêu chấn hưng kinh tế

Ông Vladimir Putin vừa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4. Kết quả 76,7% cử tri ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống - cao nhất từ 18 năm qua - càng khẳng định vị trí mạnh mẽ của Tổng thống Putin, người đã vực nước Nga thành cường quốc hàng đầu trên trường quốc tế, bất chấp căng thẳng nảy sinh với phương Tây.
Chấn hưng kinh tế
Trong bài diễn văn hùng hồn, sống động với hình ảnh minh họa, đọc trước Quốc hội Nga vào tháng 3 vừa qua, ông Putin còn khiến thế giới phải tập trung chú ý đến kho vũ khí, trang thiết bị quân sự tối tân của quân đội Nga. Giới quan sát nhận định, chính chiến lược này đã giúp Tổng thống Nga trở thành nhân vật đối trọng trên bàn cờ địa chính trị quốc tế và người dân Nga sống lại niềm tự hào dân tộc. 
Sau 4 năm phục hồi “nước Nga vĩ đại” trên trường quốc tế, Tổng thống Putin đặt mục tiêu chấn hưng kinh tế trong nhiệm kỳ lần thứ 4 này. Chuyên gia Florent Parmentier, giảng dạy tại Đại học Sciences Po tại Paris (Pháp), nhận định ai cũng biết kinh tế Nga phụ thuộc vào năng lượng và nguyên liệu. Tỷ trọng trong lĩnh vực dầu mỏ và khí tự nhiên chiếm gần 30% GDP, các doanh nghiệp năng lượng chiếm gần 50% khoản thu ngân sách tài chính của Chính phủ Nga, giá năng lượng quốc tế trở thành nhân tố mang tính quyết định ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Nga. Vì vậy, ông Putin mong muốn thực hiện một số dự án hiện đại hóa nền kinh tế, các vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng, ý định phát triển một chương trình kỹ thuật số, cũng như nhu cầu tất yếu trong việc đa dạng nền kinh tế Nga. Thách thức thật sự trong tương lai đối với Tổng thống Nga là phải đa dạng hóa được nền kinh tế, ngoài lợi nhuận từ năng lượng chủ yếu thu được nhờ xuất khẩu. Điều này có nghĩa là Nga cần xuất khẩu những mặt hàng khác, hoặc thay thế xuất khẩu năng lượng bằng hàng hóa xuất khẩu của mỗi vùng.
Tổng thống Vladimir Putin và mục tiêu chấn hưng kinh tế ảnh 1 Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày nhậm chức
Theo chuyên gia Florent Parmentier, trong bối cảnh này, Tổng thống Putin muốn tìm kiếm những người thân tín mà ông có thể dựa vào để triển khai chính sách của mình. Điều này cũng giải thích nhu cầu cần đến những người biết rõ bộ máy hành chính. Vì vậy, Thủ tướng Dmitri Medvedev trở thành nhân vật không thể thiếu được trong tình hình hiện nay của Nga. Trong khi đó, Giám đốc Viện Quan sát Pháp - Nga tại Mátxcơva (Nga) Arnaud Dubien, cho biết thêm việc tái bổ nhiệm Thủ tướng Medvedev sẽ kéo theo quá trình thay đổi thành phần ở cấp thấp hơn, hàng thứ trưởng, thậm chí cả trong chính phủ và tầng lớp lãnh đạo các tập đoàn nhà nước đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga.
Trong vòng 6 năm tới, Thủ tướng Medvedev sẽ là người thi hành sắc lệnh “giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống, thịnh vượng, an ninh”, kể cả tăng tuổi thọ lên 78 tuổi vào năm 2024, thay vì 72 tuổi như hiện nay”. Đây là một số mục tiêu trọng tâm trong chính sách mới, được Tổng thống Nga ban hành ngay sau khi nhậm chức. Có lẽ vì vậy, Tổng thống Putin tuyên bố, giảm ngân sách quốc phòng Nga trong năm 2018-2019 và khẳng định không chạy đua vũ trang.
Như để chứng minh tinh hoa của nền công nghiệp Nga, lần đầu tiên, ông Putin đến lễ nhậm chức bằng xe Limousine Aurus do Viện Nghiên cứu khoa học và xe hơi Trung ương Nga sản xuất. Chiếc xe sơn đen dài hơn 6m, được bán với giá tương đương 1 chiếc Bentley hay Rolls-Royce. 
Thoát vòng kiềm tỏa
Sự phát triển của Nga có một đặc điểm đáng chú ý là mỗi khi môi trường bên ngoài khá tồi tệ, sức mạnh quy tụ trong nước Nga được phát triển nhanh chóng. Năm 1853, sau cuộc chiến tranh Crimea bị Anh, Pháp công kích, nước Nga bắt đầu cải cách chế độ nông nô, đi lên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc của châu Âu; Liên Xô vừa mới thành lập, trong sự bao vây phong tỏa của chủ nghĩa đế quốc, thành tích đạt được trong một vài kế hoạch 5 năm ngắn ngủi khiến cả thế giới chú ý; trong bối cảnh Liên Xô - Mỹ đối đầu thời chiến tranh lạnh, Liên Xô cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Nay, do vấn đề Crimea, Mỹ và châu Âu tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt Nga; do vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc, nước Anh đã ra tối hậu thư đối với Nga và một lần nữa, Mátxcơva phải đối mặt với môi trường quốc tế gay gắt. Câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là Tổng thống Putin có thể dẫn dắt nước Nga một lần nữa lập kỳ tích lịch sử hay không? Tạp chí Người quan sát của Trung Quốc nhận định, lần này không giống với bất kỳ lần nào trong lịch sử. Tổng thống Nga Putin phải giải quyết vấn đề môi trường quốc tế khi phát triển kinh tế phải đối mặt. Những năm gần đây, các địa phương của Nga cũng tích cực áp dụng biện pháp kêu gọi đầu tư, thành lập 28 đặc khu kinh tế... cho thấy, Nga nỗ lực muốn phát triển kinh tế.
Tổng thống Vladimir Putin và mục tiêu chấn hưng kinh tế ảnh 2 Người dân Nga yêu quý, đặt niềm tin vào Tổng thống Vladimir Putin
 Theo chỉ số kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016, Nga đứng vị trí thứ 40, năm 2017 đứng vị trí thứ 35, đứng đầu các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Nhưng do nhiều nguyên nhân, nhiều đặc khu kinh tế bị ngừng hoạt động, khu công nghiệp Skolkovo từ trung tâm công nghệ và sáng tạo biến thành dự án bất động sản, cảng tự do Vladivosto phát triển chậm chạp. Trong 6 năm tới, làm thế nào để tiếp tục cải thiện môi trường và thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, bên cạnh việc duy trì chính trị ổn định, từng bước nâng cao và cải thiện mức sống của người dân sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của ông Putin. 
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, quan hệ giữa phương Tây và Nga có thể sẽ xấu đi hơn nữa, trong thời gian khá dài khó có thể được hòa dịu, sự phát triển của nền kinh tế Nga cần không gian quốc tế rộng lớn, chính sách “hướng Đông” của Nga sẽ được mở rộng và phát triển hơn nữa, mong muốn và nhu cầu thực tế trong hợp tác kinh tế phát triển của Nga với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ngày càng cấp bách trong vòng 6 năm tới. 
Sức mạnh ngoại giao
Trong cuộc đọ sức ngoại giao với châu Âu và Mỹ, Tổng thống Putin đã nhận được sự khâm phục và ca ngợi của nhiều người qua các sự kiện từ Crimea đến Syria và cả vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Sau khi Liên Xô tan rã, nhiều nhà ngoại giao của châu Âu và Mỹ từng nhiều lần ngạo mạn cho rằng “nước Nga không còn quan trọng” trong cuộc đọ sức nước lớn. Nhưng trong cuộc đọ sức chiến lược hết lần này đến lần khác với châu Âu và Mỹ, Tổng thống Putin liên tiếp chiếm thế thượng phong. 
Tuy nhiên, những thắng lợi ngoại giao của Tổng thống Nga lại dẫn đến sự lo ngại, cảnh giác, ác cảm, ngăn chặn thậm chí thù địch ngày càng sâu sắc của phương Tây. Từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine và tối hậu thư của Anh sau vụ điệp viên hai mang bị đầu độc, có thể thấy rằng, môi trường sinh sống và phát triển ở Nga ngày càng xấu đi. 6 năm tới, vấn đề ngoại giao quan trọng mà Tổng thống Putin phải đối mặt chính là làm thế nào để cải thiện môi trường sinh sống và phát triển của Nga trước các biện pháp trừng phạt và sức ép nặng nề của phương Tây.  
Sau 2 năm suy thoái, Nga đã lấy lại được đà tăng trưởng vào năm 2017. Năm 2013, khi giá dầu ở mức hơn 100 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ dừng ở mức 1,3%. Đến năm 2017, dù giá dầu đã xuống quanh mốc 50 USD/thùng nhưng tăng trưởng GDP của nước này vẫn giữ gần 2%. Bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy, Nga đang có sự tiến bộ vượt bậc, từ thứ hạng 120 năm 2012 lên 35 năm 2017. Thậm chí, Nga vượt qua Mỹ về đăng ký mở doanh nghiệp cũng như chế tài thực hiện hợp đồng...
Do kinh tế Nga ít nhiều bị ảnh hưởng, các khoản chi quốc phòng bị cắt giảm mỗi năm. Theo số liệu công khai, ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2017 là 582,7 tỷ USD, ngân sách quốc phòng của Nga khoảng 49,1 tỷ USD. Xét về quy mô ngân sách quốc phòng, trong số các nước trên thế giới, Nga không chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, mà còn xếp sau Ấn Độ, Saudi Arabia. Nga dùng khoản chi quốc phòng bằng khoảng gần 1/10 ngân sách quốc phòng của Mỹ để đối đầu với Mỹ, thậm chí NATO, thậm chí đối đầu gay gắt trong vấn đề điểm nóng, chiếm thế thượng phong mọi mặt trong vấn đề ngoại giao, tìm cách cân bằng về mặt chiến lược toàn cầu, chứng tỏ sự lớn mạnh về truyền thống ngoại giao và sự thông thạo về kỹ xảo ngoại giao của Nga với tư cách là nước lớn, nhưng cũng có sự mất mát và lúng túng khi ứng phó khó khăn. 
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ quân sự mới, làm thế nào để xử lý tốt hơn mối quan hệ với các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, bảo vệ và giữ gìn an ninh quốc gia một cách tốt hơn cũng sẽ là vấn đề mà Tổng thống Putin cần phải suy tính. Giới quan sát cho rằng, 6 năm tới, Tổng thống Nga sẽ đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Đây sẽ là giai đoạn đặc biệt thử thách bản lĩnh, trí tuệ và năng lực của ông Putin và Chính phủ Nga.

Tin cùng chuyên mục