Tổng kiểm tra hàng giả, ngăn chặn tình trạng “găm hàng” làm giá dịpTết Kỷ Hợi

Sau hơn 1 tháng ra đời, Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết sẽ mở một đợt cao điểm tổng tấn công vào nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, đầu cơ - găm hàng làm giá và xử lý nghiêm người đứng đầu, “không có vùng cấm”... 

Trưa nay 13-12, Bộ Công thương có thông tin gửi báo giới thông báo về việc Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) đã yêu cầu Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường để thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Kỷ Hợi 2019. 

Tổng cục Quản lý Thị trường sẽ tổng kiểm tra hàng giả, hàng lậu cuối năm

Theo đó, tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Kỷ Hợi. 

Kiểm tra kiểm soát chặt việc vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã; thuốc lá ngoại; vải, quần áo, giầy dép; nguyên phụ liệu may mặc; bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát; điện tử - điện máy; xăng dầu; tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; chống xuất lậu các loại than, khoáng sản, động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản quý hiếm…

Kiểm tra kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết như: thực phẩm; bánh kẹo; mì chính (bột ngọt); rượu, bia, nước giải khát; đồ gia dụng; hàng tiêu dùng; các loại hàng hoá giả nguồn gốc xuất xứ... 

Đặc biệt, Tổng cục Quản lý Thị trường yêu cầu không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. 

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời công chức có tác phong công vụ không đúng làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng quản lý thị trường, không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

Vừa qua, đã có dư luận không tốt về việc quản lý thị trường lạm dụng quyền hạn, chức vụ để gây khó khăn, công bố thông tin không đúng về doanh nghiệp. Vì vậy, chấn chỉnh hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường là yêu cầu để thực hiện Chỉ thị số 14/CT-BCT về một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường. 

Tin cùng chuyên mục