Tọa đàm về ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn chương

Sáng 23-3, Chi hội Nhà văn Gia Định (trực thuộc Hội Nhà văn TPHCM) tổ chức buổi tọa đàm “Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn chương” với diễn giả là nhà văn Nhật Chiêu.

Gần 40 hội viên của Chi hội Nhà văn Gia Định và Hội Nhà văn TPHCM đã tham dự và lắng nghe nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ xung quanh ngôn ngữ nghệ thuật trong văn chương; mối tương quan giữa ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ tự nhiên; vẻ đẹp của tiếng Việt, mối liên hệ giữa các từ với nhau…

Theo nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, buổi tọa đàm của Chi hội Nhà văn Gia Định rất có ý nghĩa, mở ra các loại hình hoạt động của các chi hội sau này.

“Đây là buổi sinh hoạt có tính chất chiều sâu về văn học và chúng tôi rất hoan nghênh những buổi sinh hoạt như thế này. Sau buổi nói chuyện của nhà văn Nhật Chiêu ngày hôm nay, nếu có điều kiện chúng ta có thể tổ chức tiếp những buổi trao đổi, tọa đàm để các vấn đề về văn chương đến với mỗi cá nhân một cách tự nhiên hơn. Chính từ những buổi tọa đàm như vậy, chúng ta mới có thể kỳ vọng về những tác phẩm văn học có chất lượng cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật”, nhà văn Trần Văn Tuấn nói.

° Cùng ngày, tạị Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TPHCM) đã diễn ra ngày hội đọc sách chủ đề “Mở sách - Mở tri thức”. Chương trình là một trong chuỗi hoạt động tư vấn tuyển sinh năm 2019 của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM, phối hợp cùng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân tổ chức, nhằm đem đến một không gian đọc và tìm hiểu thêm về các loại sách, kết hợp nhiều hoạt động tương tác, giao lưu, trải nghiệm thực tế ý nghĩa dành cho các bạn học sinh phổ thông trước ngưỡng cửa chọn nghề, chọn ngành trong kỳ tuyển sinh 2019.

Trong ngày hội, các học sinh đã tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng như: tham quan khu trưng bày sách với nhiều đầu sách phong phú của Thư viện Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM, Nhà sách Thủ Đức (thuộc Fahasa), Nhà xuất bản Trẻ và Trung tâm ngoại ngữ Imagine Academy; thi viết bài cảm nhận, cảm tưởng về một cuốn sách bất kỳ hoặc về sách nói chung; thực hiện làm bookmark tại chỗ; tham gia vào các lớp học mẫu của ngành kinh doanh xuất bản phẩm, trải nghiệm một giờ làm chuyên viên truyền thông marketing cho một NXB, tìm hiểu về ngành khoa học thư viện, ngành quản lý văn hóa; thử tài vẽ chibi lên bookmark; thi hóa trang, tạo hình nhân vật sân khấu; giao lưu văn nghệ, biểu diễn ca múa nhạc, hoạt cảnh, kịch câm “Hành trình đến với ước mơ”…

Tin cùng chuyên mục