Tổ chức nhiều hội chợ hàng Việt về nông thôn Tây Nam bộ

Theo thông tin từ các sở công thương khu vực Tây Nam bộ, trong năm 2019, các sở này sẽ tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo những đơn vị liên quan để thực hiện nhiều phiên chợ, hội chợ bán hàng Việt về các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

 

Phiên chợ hàng nông sản Việt tại tỉnh Đồng Tháp
Phiên chợ hàng nông sản Việt tại tỉnh Đồng Tháp

Tại tỉnh Long An, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, trong năm 2019, Sở Công thương tỉnh này sẽ tổ chức các chương trình kết nối cung cầu để kết nối tiêu thụ sản xuất; phối hợp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về vùng nông thôn, các khu - cụm công nghiệp và vùng biên giới. Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, thực hiện tốt các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương; khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt của dân cư. 

Theo ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, năm 2019, tỉnh sẽ đổi mới và nâng chất các hoạt động xúc tiến nhằm tăng độ phủ cho hàng Việt tại vùng sâu, vùng biên giới. Cụ thể là tổ chức kết nối giao thương với các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các thị trường tiềm năng và lợi thế cho sản phẩm tỉnh An Giang; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phiên chợ nông sản an toàn tại TPHCM; triển khai 2 phiên chợ đặc sản và thực hiện chương trình hàng Việt về nông thôn (3 phiên chợ hàng Việt); tổ chức Tuần lễ khuyến mãi tỉnh An Giang (lần thứ II); vận hành chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư (PPP), thương hiệu gạo…

Tương tự tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ… cũng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn thực hiện thường xuyên những phiên chợ, hội chợ bán hàng Việt về vùng nông thôn, biên giới. Hàng hóa được chú trọng vẫn là những sản phẩm đặc sản của từng địa phương, hàng may mặc, đồ dùng thiết yếu… và cam kết bán với giá “mềm” để người dân vùng nông thôn được tiếp cận.

Theo đánh giá của các tỉnh Tây Nam bộ, trong năm 2018 vừa qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt, đã có hàng chục phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại mỗi tỉnh, giúp người dân các tỉnh này mua sắm thuận tiện; qua đó giúp hàng Việt từng bước lan tỏa và chinh phục người tiêu dùng Việt. 

Tin cùng chuyên mục