Tinh thần Việt Nam ở Nam Sudan

“Lá cờ đỏ sao vàng chúng tôi mang theo đã tung bay trên bầu trời Bentiu, Nam Sudan, với rất nhiều cảm xúc. Hướng về cờ Tổ quốc, hát quốc ca trên đất nước bạn, nhắc nhở chúng tôi về nhiệm vụ hiện tại. Chúng tôi đã và đang hết mình thực hiện lời hứa trước lúc lên đường, vì nước bạn. Và chúng tôi luôn nhớ rằng: Tổ quốc ở sau lưng...”

Dược sĩ Quản Văn Chi không thể quên giờ phút thiêng liêng nhất khi làm nhiệm vụ của một người lính - một bác sĩ trên đất bạn, khi lần đầu tiên, Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. 

“Hello Việt Nam!”

“Có phải Việt Nam không?”, “Hello Việt Nam!”, “Very good!”... “Đó là những câu đầu tiên mà đi đến đâu tại Bentiu hay thủ đô Juba của Nam Sudan, chúng tôi thường nghe thấy. Họ đối xử với chúng tôi thật thân thiện, niềm nở”, Thiếu tá - Thạc sĩ Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Dã chiến (BVDC) 2.1, nói.  

Các y bác sĩ của BVDC 2.1 được triển khai tới Nam Sudan (UNMISS) đến nay gần 4 tháng. Trở về đón tết tại Việt Nam, 13 y bác sĩ vẫn nhớ về những ngày đầu đặt chân đến thủ đô Juba, đặc biệt là nơi đóng quân Bentiu, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi binh sĩ cùng súng ống, xe bọc thép tại sân bay Rubkona... Hơn hết, có lẽ là hình ảnh người dân Nam Sudan bên ngoài cửa xe. 

Tinh thần Việt Nam ở Nam Sudan ảnh 1 Các y bác sĩ Việt Nam được yêu mến tại Bentiu
“Phải mất 3 ngày, tôi mới đến được đơn vị đóng quân. Tôi còn nhớ lúc mới đến Bentiu, nhìn thấy cảnh trẻ em tắm ở một cái ao nhỏ ngập ngụa nước bẩn, ruồi muỗi và côn trùng bám đầy lên người, tôi sốc lắm. Rồi cảnh dưới trời nắng đỏ lửa  40°C, phụ nữ vẫn làm việc còng lưng, đồ đạc đội trên đầu. Mùa khô, nước sạch để uống còn chẳng đủ, nên nước sinh hoạt cũng trở nên quý giá. Nội chiến liên miên khiến người dân vô cùng vất vả...”, chị Huỳnh Cẩm Thư (26 tuổi, Phòng Xét nghiệm BVDC 2.1) kể.

Dược sĩ Quản Văn Chi (39 tuổi, quê Hà Tây) cũng không thể quên được hình ảnh các em bé đen nhẻm, hốc hác, bơ vơ, cũng như hình ảnh cả ngàn người dân trong trại tị nạn chen chúc, nóng nực và thiếu thốn đủ bề.

Nam Sudan khó khăn vì bất ổn, xung đột, nghèo đói, lạc hậu, nhiều dịch bệnh. Và Bentiu là một trong những nơi khó khăn cần sự giúp đỡ nhất. Thế nên, BVDC 2.1 được triển khai tại khu vực này, tiếp quản nhiệm vụ của BVDC 2.1 Vương quốc Anh trước đó. Thời tiết lúc mới tới Bentiu là cuối mùa mưa nên đường sá lầy lội, đi lại khó khăn.

“Chúng tôi lắp giường và chuẩn bị phòng ở, xây dựng đường đi và đào rãnh thoát nước, lắp lều khu nhà bếp để dựng bếp nấu ăn. Khi hàng hóa, máy móc đến, anh em cùng nhau tháo rời các thùng hàng và lắp đặt máy móc chuyên môn cũng như phân phối vật dụng sinh hoạt. Công việc tay chân cũng nặng nhọc nhưng ngày mới bắt đầu như thế đó. Ai cũng thực sự cố gắng”, dược sĩ  Quản Văn Chi nhớ lại. 

Đến nay, mọi người đã trải qua gần 4 tháng mùa khô khắc nghiệt. Nhiệt độ ban ngày rất nóng, phải hơn 40°C, có khi 50°C, ban đêm chỉ còn dưới 20°C. Ban đầu khi làm việc trong lều, một số phòng chỉ có thể làm việc vào buổi sáng vì trưa khá nóng. Bệnh viện đã có nhà nên các phòng ban hoạt động bình thường.

Chị Cẩm Thư chia sẻ: “Ngày mới qua, hầu như mọi người đều sụt cân vì đồ ăn không hợp khẩu vị. Và hơn hết là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Giờ thì mọi người đã thích ứng được”.

Dù đã được huấn luyện trước nhưng khi làm việc môi trường thực tế, khó khăn là điều không tránh khỏi. Lượng bệnh nhân của BV tiếp nhận nhiều hơn so với lượng bệnh nhân mà BVDC 2.1 của Anh quốc trao đổi kinh nghiệm trước đó.

“Chúng tôi luôn tự nhủ, khó khăn mọi người đang trải qua không bằng những gì mà người dân Nam Sudan đang đối mặt. Trong đêm đầu tiên tới Bentiu, chúng tôi tiếp nhận một ca viêm ruột thừa, phải tiến hành phẫu thuật ngay. Rồi ngày hôm sau đã chuyển thành công bằng đường hàng không lên tuyến trên ở thủ đô Juba một bệnh nhân bị suy hô hấp nặng”, anh Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Đón tết xa quê

Ở Bentiu, BVDC 2.1 Việt Nam là BV tuyến cao nhất. Mỗi ngày, BVDC 2.1 có thể tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú, 3 - 4 ca phẫu thuật gây mê; chụp X-quang 10 ca, nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân/tuần; đảm bảo 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện và đảm bảo đủ trang thiết bị, y bác sĩ để vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên.

Đến nay, họ đã điều trị cho 400 lượt bệnh nhân ngoại trú, hơn 21 lượt bệnh nhân nội trú, thực hiện 10 ca phẫu thuật khó trong điều kiện dã chiến. “Các bác sĩ giao tiếp tốt và chúng tôi hiểu được các bạn. Vậy là quá ổn”; “Các bạn hỏi bệnh rất kỹ càng. Cảm ơn nhiều”... là những “comment” của bệnh nhân ở bảng tin góp ý tại phòng khám của BVDC 2.1. 

Tinh thần Việt Nam ở Nam Sudan ảnh 2 Việt Nam mời các đơn vị cùng đóng quân ở Bentiu tham gia buổi tiệc chuẩn bị đón năm mới 
Với những y bác sĩ BVDC 2.1, có lẽ tết năm nay là cái tết ở xa nhà, xa quê hương nhất. Nhưng, họ vẫn có cái tết thật sự ấm áp như những ngày ở quê nhà.

“Chúng tôi tổ chức tiệc tất niên “Đón tết xa nhà”. Không có hoa mai, hoa đào thì chặt cành cây khô, tự tay làm hoa mai, hoa đào bằng giấy treo lên. Chúng tôi tổ chức gói bánh chưng bằng khuôn gỗ do các bác sĩ tự đóng. Thịt heo, thịt gà, bánh chưng, mâm ngũ quả... cho đêm giao thừa đều chuẩn bị chu đáo. Bệnh viện cũng tổ chức đường truyền internet xem chương trình giao thừa ở quê nhà, dù đường truyền kém lắm. Khi các nữ y bác sĩ múa hát, chúng tôi đều xúc động, nhớ nhà da diết”, Thiếu tá Nguyễn Thành Công kể.

Còn với dược sĩ Quản Văn Chi, khi nhìn thấy nồi bánh chưng đỏ lửa đã rất hạnh phúc. Không ngờ, ở một nơi nắng nóng gió bụi mù và cách xa quê nhà như thế lại có thể nhìn thấy nồi bánh chưng, thấy hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ... 

Dịp Tết Nguyên đán này, có 13 y bác sĩ được về Việt Nam đón tết. Những vị trí như bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật xác định không được về tết và có thể sẽ ở lại cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

Chị Cẩm Thư (xét nghiệm) là người nữ duy nhất được về quê. Chị nhớ lại: “Lúc chia tay, mọi người đều chúc thượng lộ bình an, đón tết đầm ấm bên gia đình, làm tôi càng thương các anh chị ở lại”. 

Trong những cuộc trò chuyện nơi đất mẹ, “Tinh thần Việt Nam ở Nam Sudan” là cụm từ mà chúng tôi đã nghe rất nhiều về họ. Những ngày trên đất Nam Sudan nắng đỏ trời, đỏ đất, theo những thành viên của BVDC 2.1, có lẽ là với tinh thần Việt Nam, không ngại khó, không ngại khổ và luôn biết cách vươn lên trong mọi hoàn cảnh, mà họ đã hoàn thành nhiệm vụ.

Chỉ vài ngày nữa thôi, 13 người lính y bác sĩ ấy sẽ trở về với đơn vị BVDC, đem theo những món quà xuân và hơn hết là tình cảm của người thân, đồng đội đến với BVDC 2.1…

Ngoài việc tự tổ chức huấn luyện và huấn luyện cùng các đơn vị, BVDC 2.1 cũng đang tiến hành Chương trình CPD (Continue Programe Development) do BVDC 2.1 Vương quốc Anh đã triển khai trước đó. Đây là chương trình huấn luyện chia sẻ kinh nghiệm điều trị phối hợp giữa tất cả các BV và các nhân viên y tế ở Bentiu, dưới sự chủ trì của BVDC 2.1 Việt Nam. Dự kiến, 2 tuần sẽ tổ chức 1 buổi huấn luyện. Chương trình sẽ diễn ra từ cuối tháng 2 này kéo dài cho đến tháng 10-2019.

Tin cùng chuyên mục