Tình hình triển khai vắc xin bại liệt tiêm IPV trong Tiêm chủng mở rộng

Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và duy trì được thành quả này hơn 17 năm qua nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao trên 90%,
Tiêm chủng cho trẻ giúp phòng tránh nguy cơ bị bại liệt
Tiêm chủng cho trẻ giúp phòng tránh nguy cơ bị bại liệt

Tại Việt Nam, trước khi có vắc xin phòng bệnh, bệnh bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 1957-1959 đã xảy ra các vụ dịch bại liệt qui mô lớn.

Tình hình triển khai vắc xin bại liệt tiêm IPV trong Tiêm chủng mở rộng ảnh 1
 Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam năm 1997. Việt Nam đã chính thức công bố Thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và từ đó đến nay vẫn đang duy trì được thành quả này.

Tuy nhiên, bệnh bại liệt vẫn chưa được thanh toán trên quy mô toàn cầu. Vi rút bại liệt hoang dại hiện vẫn còn lưu hành ở một số nước (Afghanistan, Pakistan,…). Thực hiện chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch “Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”, bao gồm triển khai vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) và vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Triển khai vắc xin bại liệt tiêm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2018

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia đang sử dụng vắc xin bại liệt uống bOPV thì cần sử dụng thêm 01 liều vắc xin bại liệt tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên. Vắc xin bại liệt tiêm là vắc xin bất hoạt, chứa các tuýp virut bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc xin tiêm.

Tiêm 01 mũi vắc xin IPV có chứa cả 3 tuýp kháng nguyên bại liệt tuýp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch đối với tuýp 1 và tuýp 3 đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với tuýp 2 cho trẻ sử dụng 3 liều bOPV.

Tình hình triển khai vắc xin bại liệt tiêm IPV trong Tiêm chủng mở rộng ảnh 2

Vắc xin IPV sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là vắc xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, vắc xin đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Vắc xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF).

Triển khai trên qui mô nhỏ

Trong tháng 6,7/2018 vắc xin bại liệt tiêm đã được triển khai trên qui mô nhỏ tại 4 tỉnh Điện Biên, Phú Yên, Vĩnh Long, Gia Lai với 4.364 trẻ được tiêm vắc xin IPV. Số trường hợp phản ứng nhẹ, thông thường được báo cáo là 8 trường hợp, trong đó phản ứng sốt <39°C là 5 trường hợp, đau tại chỗ tiêm là 3 trường hợp, các triệu chứng khỏi trong vòng 1-2 ngày sau tiêm vắc xin. Không ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin IPV tại 4 tỉnh.

Triển khai trên toàn quốc

Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2018 vắc xin IPV đã được triển khai trên toàn quốc cho trẻ  trẻ 5 tháng tuổi, theo báo cáo của 15 tỉnh triển khai trong tháng 9 có đã có 16.162 trẻ được tiêm, không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin IPV.

Khánh Hòa là một trong những địa phương triển khai vắc xin IPV trong tháng 10 năm 2018, cho đến ngày 19/10 đã có 6/8 huyện thị đã triển khai tiêm vắc xin IPV kết quả báo cáo nhanh cho thấy vắc xin được triển khai an toàn,không có phản ứng sau tiêm chủng nặng nào được ghi nhận, các bà mẹ đều hưởng ứng và đưa con đi tiêm chủng đầy đủ.

Lịch tiêm /uống vắc xin phòng bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng

-        Trẻ 2 tháng tuổi: Uống vắc xin bại liệt (bOPV) lần 1.

-        Trẻ 3 tháng tuổi: Uống vắc xin bại liệt (bOPV)  lần 2.

-        Trẻ 4 tháng tuổi: Uống vắc xin bại liệt (bOPV)  lần 3.

-        Trẻ 5 tháng tuổi: Tiêm vắc xin bại liệt (IPV).

Tin cùng chuyên mục