Tinh giản biên chế từ nguồn… nghỉ hưu

Trong khi mục tiêu đến năm 2021, TPHCM phải giảm được 10% biên chế so với năm 2015, thì những năm qua, số lượng biên chế thực tế tại thành phố lại luôn cao hơn biên chế được giao. Do vậy, để đạt chỉ tiêu, các quận huyện phải nỗ lực bằng nhiều giải pháp. 

Sáp nhập để tinh giản 

Tại quận 1, từ tháng 4-2015 đến nay đã giải quyết nghỉ hưu 294 trường hợp, nghỉ việc 807 trường hợp và tinh giản được 22 biên chế. Để giảm được như vậy, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến cho biết, quận đã giải thể Trường Vừa học vừa làm 15-5; sáp nhập 3 trung tâm (Dạy nghề, Kỹ thuật - Tổng hợp Hướng nghiệp, Giáo dục thường xuyên) thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 1; sáp nhập Câu lạc bộ Văn hóa - Thể dục Thể thao Nguyễn Du vào Trung tâm Thể dục thể thao quận 1. Việc giảm 3 đơn vị sự nghiệp và 1 câu lạc bộ đã giảm được 3 biên chế lãnh đạo, 5 viên chức và 7 hợp đồng.

Ngoài ra, ở các phường cũng thực hiện điều chỉnh vị trí làm việc như thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND và nhiều vị trí kiêm nhiệm khác. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2021, quận 1 sẽ tính toán giảm vượt kế hoạch 10% biên chế so với năm 2015 nhưng chủ yếu là đối tượng nghỉ hưu.

Tinh giản biên chế từ nguồn… nghỉ hưu ảnh 1 Người dân đến làm thủ tục tại Tổ tiếp nhận và trả hồ sơ phường Hiệp Thành (quận 12, TPHCM)
Quận 3 cũng giảm được 13 trường hợp diện Nghị định 108 và sáp nhập đơn vị sự nghiệp. Bà Võ Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Nội vụ quận 3, cho biết từ nay đến năm 2021, theo lộ trình, quận tiếp tục sắp xếp, sáp nhập trường mầm non, sáp nhập 2 phường trên địa bàn quận.

Qua đó, số lượng cán bộ, công chức dôi dư được bố trí vào các vị trí đang thiếu nên công tác tinh giản biên chế tương đối khả quan, việc bố trí, sắp xếp công tác cho các cán bộ, công chức cũng không gặp khó khăn. Ngoài ra, quận tiếp tục bố trí các vị trí kiêm nhiệm tại các phòng, ban và 16 phường trên địa bàn để không phát sinh thêm viên chức. 

Riêng quận Tân Bình, thực hiện giải quyết theo diện Nghị định 108 và sáp nhập giảm 5 đơn vị sự nghiệp đã giảm được 59 biên chế. Theo ông Nguyễn Tùng Khương, Trưởng phòng Nội vụ quận Tân Bình, lộ trình từ nay đến năm 2021, quận sẽ tiếp tục sáp nhập một số cơ sở y tế, thực hiện chủ trương sắp xếp tại khu phố, tổ dân phố… để đạt chỉ tiêu về tinh giản biên chế.

Huyện Củ Chi giảm được 25 biên chế theo Nghị định 108, trong khi quận 8 chỉ mới giảm được 3 biên chế theo nghị định này. Ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng Nội vụ quận 8, cho biết năm 2015 biên chế của quận là 3.640 biên chế, theo chỉ tiêu là phải giảm 364 biên chế. Để đạt được chỉ tiêu, quận chủ yếu phụ thuộc vào số biên chế thành phố giao xuống hàng năm giảm. Từ năm 2016 đến nay quận đã giảm được 254 biên chế, như vậy đến 2021 sẽ phải giảm thêm 110 biên chế. 

Khó đánh giá cán bộ thiếu năng lực

Mục tiêu chính của tinh giản biên chế là sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và cải cách chế độ tiền lương.

Song, thực tế ở các cơ sở hiện nay, kết quả giảm biên chế chủ yếu là dựa vào nguồn cán bộ, công chức, viên chức về hưu là chính, hoặc biên chế năm sau giảm so với năm trước nhờ vào chỉ tiêu biên chế thành phố giao cho thấp hơn.

Riêng công tác sắp xếp lại bộ máy tổ chức hay loại ra khỏi biên chế những cán bộ, công chức, viên chức không có trình độ, năng lực yếu chưa được rõ nét.

Ông Huỳnh Việt Hùng nhận định: “Lý do khiến việc tinh giản biên chế chưa như mong đợi là do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự mạnh dạn, thẳng thắn, khách quan trong quản lý, sử dụng, đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở thực hiện tinh giản biên chế.

Hầu hết công chức hàng năm đều được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi phẩm chất, năng lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được nhiệm vụ”.

Việc tinh giản biên chế phải gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ và sắp xếp tổ chức bộ máy; nhưng theo quy định thì mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế cho cả giai đoạn 2015-2021, trong khi nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức thì tính theo từng năm. Vì vậy các cơ quan, đơn vị không thể dự kiến được số lượng tinh giản là bao nhiêu để đưa vào kế hoạch thực hiện.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Tùng Khương, Trưởng phòng Nội vụ quận Tân Bình, còn cho rằng hiện nay, một số đơn vị trên địa bàn quận chưa chủ động nghiên cứu sâu các quy định, hướng dẫn công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế nên triển khai chưa quyết liệt, lúng túng trong việc xác định đối tượng tinh giản, lộ trình tinh giản.

Do đó, chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế so với năm 2015 có thể hoàn thành được nhưng lại chưa đúng với bản chất mà Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 39-NQ/TW đề ra.

Đại diện các quận kiến nghị Thành ủy và UBND TPHCM quan tâm đến đặc thù những quận bị áp lực cao về khối lượng công việc giải quyết hàng ngày để xem xét giao biên chế hàng năm phù hợp. Đặc biệt, nên giao biên chế theo đầu việc cụ thể, hoặc theo chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm; đồng thời tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở quận huyện, phường xã thị trấn, để các địa phương triển khai nhằm đạt hiệu quả trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Ngoài ra, Trung ương cần bổ sung các quy định hướng dẫn thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, chính sách kiêm nhiệm, chính sách giải quyết đầu ra cho cán bộ dôi dư do sắp xếp lại. 

Tin cùng chuyên mục