Tín hiệu vui cho múa rối TPHCM

Thời gian qua, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam thực hiện công trình thay mới, sửa chữa nâng cấp rạp bạt xiếc tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp) và khu vực Lữ Gia (quận 11). 

Nhà hát cũng đã tổ chức lưu diễn ở các tỉnh thành, đầu tư xây dựng những vở múa rối mới chuẩn bị kế hoạch phục vụ dịp Tết Trung thu, tham gia Liên hoan Múa rối quốc tế tại Hà Nội vào tháng 10-2018.

Tín hiệu vui cho múa rối TPHCM ảnh 1 Vở múa rối bóng mới của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam hứa hẹn thu hút khán giả
 Mới nhất, vở múa rối bóng Sự tích con muỗi vừa dàn dựng xong, sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, tập luyện. Đây là câu chuyện khá quen thuộc với khán giả nhỏ tuổi, ngợi ca tình cảm gia đình. Đặc biệt, vở được dàn dựng với hình thức múa rối bóng. Đây là loại hình nghệ thuật có từ rất lâu, nhưng tại TPHCM ít có đơn vị nghệ thuật múa rối của nhà nước hay tư nhân dàn dựng, biểu diễn thường xuyên phục vụ khán giả. 
Câu chuyện kể về đôi vợ chồng nghèo hết mực yêu thương nhau, chẳng may người vợ bệnh mất, thương vợ, người chồng khóc than và được thủy thần chỉ cách cứu giúp. Ba giọt máu yêu thương của người chồng trao tặng đã giúp người vợ sống lại. Một ngày nọ, người vợ thay lòng đổi dạ nên sang ngang với một thương lái giàu có, bỏ người chồng nghèo hết mực yêu thương mình. Sự níu kéo của người chồng với cô vợ không hiệu quả và khi ba giọt máu trả lại cho chồng để thôi không còn nợ gì nhau, đã khiến người vợ rời xa nhân thế...
Đơn giản chỉ một câu chuyện mà mỗi tối ông bà, cha mẹ thường kể cho con, cháu nghe trước khi trẻ đi ngủ, nhưng với mong muốn phải sao cho thật hấp dẫn, đạo diễn Nguyễn Trí Đức đã sắp xếp để người dẫn chuyện diễn cùng con rối. Tạo hình múa rối bóng mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ, thể hiện sinh động hình ảnh sông nước miền Tây, như ông già miền quê ngâm Lục Vân Tiên với cây đờn kìm, âm nhạc là những câu hò ngọt ngào gợi nhớ bao ký ức đẹp của làng quê, yên bình... 
NSƯT Nguyễn Đức Thế, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam cho biết: “Trong thời gian đang sửa chữa điểm diễn, các hoạt động của xiếc và múa rối vẫn tiếp tục được duy trì qua hình thức lưu diễn phục vụ khán giả tại TPHCM và ở các tỉnh thành. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư dàn dựng hai vở múa rối cạn, múa rối nước tham gia liên hoan múa rối, mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành xong công trình rạp bạt vào tháng 11-2018 nhằm đáp ứng kịp thời hoạt động phối hợp tổ chức và tham gia Liên hoan Xiếc toàn quốc tại TPHCM vào cuối năm nay. Hai đoàn xiếc Mặt Trời Đỏ và Bầu Trời Xanh sẽ cùng góp mặt tại liên hoan xiếc năm nay với những tiết mục được đầu tư chỉn chu, hấp dẫn”. 
Trong những khó khăn riêng, nhà hát lo lắng nhiều về yếu tố kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện chưa đủ chuẩn, hiện đại, để đáp ứng yêu cầu tổ chức biểu diễn. Còn những trở ngại khác về nguồn nhân lực, tác phẩm, đạo diễn... thì tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên nhà hát vẫn luôn nỗ lực hết sức để khắc phục và vượt qua. 
Năm 2018, nhà hát Phương Nam rất vui vì nhận được sự quan tâm sâu sát của UBND TPHCM, Sở VH-TT, duyệt kinh phí để xây dựng mới rạp bạt tại công viên Gia Định và nâng cấp rạp bạt cũ để có thêm điểm tổ chức biểu diễn ở khu Lữ Gia, quận 11. Hai rạp bạt không chỉ giúp tổ chức biểu diễn loại hình xiếc mà còn tạo điều kiện để nghệ thuật múa rối có điểm diễn phục vụ khán giả. 
Ngoài ra, TPHCM cũng đã duyệt kế hoạch động thổ xây dựng nhà hát đa năng quy chuẩn, hiện đại 2.000 chỗ ngồi theo tiêu chuẩn quốc tế, vào năm 2019 tại khu cư xá Lữ Gia (quận 11). Nhà hát đa năng sẽ được xây dựng theo chuẩn một nhà hát quốc tế với các trang thiết bị hiện đại. Khi không biểu diễn, có thể điều khiển để giấu ghế, trả lại mặt bằng để tùy nghi sử dụng, hoặc điều khiển để chỉ sử dụng số lượng 500 ghế hay 1.000 ghế tùy theo loại hình tổ chức biểu diễn. Dự tính kinh phí xây dựng nhà hát đa năng lên đến 1.500 tỷ đồng. Sân khấu có thể sử dụng cho nhiều loại hình: kịch nói, múa rối, xiếc, ca múa nhạc tổng hợp, phục vụ các cuộc thi, sự kiện tầm cỡ... 

Tin cùng chuyên mục