Tin giả trên mạng: Cảnh giác với chiêu trò “ném đá giấu tay”

Những kẻ xấu đang dùng thủ thuật tung tin giả (fake news), với dụng ý bóp méo sự thật, gây tác hại tới các cá nhân, đơn vị và đời sống chính trị - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Báo SGGP đã tiếp nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phân tích, góp ý về giải pháp ngăn chặn “đại dịch tin giả”.

Thận trọng với truyền thông xã hội

Hiện trên mạng xã hội có không ít tin giả, xuyên tạc, bịa đặt… gây hoang mang dư luận xã hội, bất ổn trong nước. Thế nhưng, vẫn có số người không tỉnh táo sàng lọc thông tin, nhẹ dạ cả tin, thậm chí còn hùa theo với tin giả.

Với những hình thức khác nhau, kẻ xấu dựng lên những câu chuyện “giả như thật”, hoặc cố ý “thêm mắm, dặm muối” về một câu chuyện, vấn đề nào đó nhằm lèo lái dư luận, khiến người tiếp nhận thông tin hiểu nhầm hay hiểu sai bản chất sự việc, gây hoang mang, bất an.

Tin giả trên mạng: Cảnh giác với chiêu trò “ném đá giấu tay” ảnh 1 Người dùng cần tỉnh táo trước các tin giả xuyên tạc, bịa đặt trên mạng

Hệ lụy của tin giả ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Chính vì vậy, cùng với trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, giáo dục, quản lý internet, quản lý truyền thông xã hội, thì ý thức và khả năng phòng vệ của người tham gia mạng xã hội là vô cùng quan trọng.

Người dùng mạng xã hội phải là người có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo, biết phân biệt đúng sai và luôn có thái độ đúng đắn trước mọi thông tin trên mạng, có ý thức cao với toàn bộ hành vi của mình khi tham gia sử dụng mạng xã hội.

Cần sàng lọc, nhận diện những trang thông tin, diễn đàn, fanpage… thường xuyên đăng tải những thông tin xấu, nhằm đề cao cảnh giác chiêu trò ném đá giấu tay; hết sức thận trọng với việc đưa thông tin lên mạng hoặc like, share những thông tin chưa được kiểm chứng; đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm, có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, kinh tế đất nước và trật tự xã hội.

Ông NGUYỄN SINH, ngsinhtphcm@gmail.com

Xây dựng văn hóa mạng

Thời công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ, bên cạnh các website chuyên ngành, giải trí, còn có báo trực tuyến, mạng xã hội... Tuy nhiên, cũng chính sự đa dạng hóa nên có cư dân mạng hành xử với nhau một cách kém văn hóa. Nhiều người dùng trang mạng của mình để bình luận, chỉ trích vô tội vạ, thậm chí tung tin giả để bôi nhọ người khác hoặc phục vụ mưu đồ chính trị.

Trên mạng xã hội Facebook hiện nay, nhiều người tham gia bàn luận, mổ xẻ và nêu ra quan điểm của mình về các nhân vật, vấn đề chính trị - xã hội, văn hóa - văn nghệ, nhưng lại xoáy sâu vào đời tư, dùng những lời lẽ khó nghe, dung tục để chỉ trích, bôi nhọ. Đáng ngại, chính những lời lẽ thiếu văn hóa lại lôi kéo được nhiều người tham gia.

Còn hiện tượng khác, một số trang web ăn cắp bản quyền với hình thức “rút tin tự động”, tự chọn một số tờ báo mạng, dùng kỹ thuật để bất cứ lúc nào các báo có tin bài mới là rút tự động vào trang web của họ, không đề tên tác giả, không ghi nguồn, hoặc chỉ ghi tên viết tắt, sai tên. Nhiều khi thông tin còn bị “xào nấu” lại cho giật gân, rồi tải lên như là thông tin riêng của trang web mình nhằm thu hút lượt truy cập, quảng cáo.

Cùng với việc đánh cắp tin, tung tin giả, một số trang web còn chỉ dẫn cách bẻ khóa, cách ăn cắp dữ liệu mạng, cung cấp địa chỉ bán hóa chất, công thức và cách pha chế thuốc nổ, bom và hướng dẫn cả cách tự sát. Họ đâu biết rằng, chính những hướng dẫn này đã để lại nhiều hậu quả khủng khiếp khi một số kẻ xấu thực hành ngoài đời.

Vì thế, rất cần xây dựng văn hóa mạng và có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng với nhiều biện pháp chế tài những hành vi kém văn hóa trên mạng.

Ông ĐẶNG TRUNG THÀNH, huyện Bình Chánh, TPHCM

Hạn chế hệ lụy cho người dùng

Thời gian qua, có một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin vu khống, bịa đặt, xúc phạm tổ chức, cá nhân hoặc xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chẳng hạn, người nào đó có thể sử dụng thông tin, hình ảnh của một cá nhân (có thể được nhiều người biết đến) để lập một tài khoản mới mang tên người đó, rồi kết bạn với nhiều người, sau đó đăng những thông tin sai trái nhằm bôi nhọ, xúc phạm ai đó; khi cá nhân bị xúc phạm khởi kiện, cơ quan chức năng không xác định được ai đã làm việc đó, nên không thể xử lý đến nơi đến chốn. Hay một người bằng cách nào đó chiếm tài khoản trang mạng của người khác, rồi dùng tài khoản đó đăng những thông tin sai trái, khi bị phát giác cũng rất khó tìm ra thủ phạm thực sự để xử lý. 

Hiện nước ta đã có Luật An ninh mạng để điều chỉnh, chế tài hành vi sử dụng không gian mạng thực hiện các vi phạm pháp luật. Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở, trong khi ý thức người sử dụng mạng xã hội chưa phải tất cả đều tích cực.

Trong bối cảnh đông đảo người dân vẫn sử dụng các mạng xã hội phổ biến do nước ngoài cung cấp, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn việc hạn chế các hệ lụy cho người dùng, có các biện pháp phù hợp hơn để ngăn chặn và xử lý hành vi tung tin giả vu khống, bịa đặt, xúc phạm, vi phạm pháp luật. Rất cần xây dựng các mạng xã hội của Việt Nam để sử dụng rộng rãi, góp phần khắc phục tình trạng tin giả tràn lan.

Ông TRỊNH MINH GIANG, quận Thủ Đức, TPHCM

Tin cùng chuyên mục