Tín dụng đen lộng hành cuối năm

Sau khi Công an TPHCM cùng lực lượng chức năng tuyên bố tập trung đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có tín dụng đen, thì các đối tượng cho vay nặng lãi đã co cụm lại. Thế nhưng, những ngày qua, trước nhu cầu vay vốn để mua sắm dịp tết của người dân gia tăng, hoạt động cho vay ở nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đã trở lại “quỹ đạo” vốn có.
Hiện trường một vụ án liên quan đến tín dụng đen tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: TUẤN VŨ
Hiện trường một vụ án liên quan đến tín dụng đen tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: TUẤN VŨ

Mất nhà vì vay nóng

Trong hoạt động tín dụng đen, việc đòi nợ thuê như là “anh em” với cho vay nặng lãi. Đặc biệt, nhiều đối tượng đòi nợ thuê dùng các chiêu trò từ khủng bố tinh thần con nợ đến cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích (có tính chất côn đồ), thậm chí gây án chết người khi đòi nợ.

Chị Phan Thị H. (40 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) rùng mình khi nhắc lại việc từng là nạn nhân của vay nặng lãi. Đầu năm 2018, khi biết chị H. cần vốn sang lại quán cà phê, một đối tượng cho vay nặng lãi tên Q. nhiều lần ngỏ ý “hỗ trợ” vốn với lãi vay 20%/tháng. Ban đầu chị H. rất dè dặt vì lãi cao, song sau đó chị H. quyết định vay nóng 10 triệu đồng vì lo vuột cơ hội làm ăn. Khi trao tiền, Q. cũng giao kèo trong vòng 1 tháng, chị H. phải trả đủ vốn gốc lẫn lãi với số tiền góp mỗi ngày 400.000 đồng. Hai tuần đầu, chị H. trả đủ, nhưng đến tuần thứ 3, do mẹ chị H. (cũng phụ giúp ở quán) bất ngờ đổ bệnh nên chi phí đè nặng, trong khi quán hoạt động không ổn định. Gồng gánh đến tuần thứ 4 thì chị H. không thể tiếp tục trả được nợ. Từ đây, chuỗi ngày sống trong căng thẳng của chị H. bắt đầu.

Lâm vào cảnh “mất khả năng chi trả”, chị H. đề nghị giãn nợ kèm cam kết sẽ trả lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, Q. và những người đi đòi nợ không đồng tình. “Họ hết điện thoại đòi cắt lỗ tai rồi đến nhà hăm dọa bắt cóc, cưỡng hiếp và tạt mắm tôm vào nhà. Tôi sợ quá, ngày nào cũng trốn đến tối mới về, nhưng có hôm bị theo dõi và chặn xe đánh giữa đường”, chị H. kể lại và cho biết, trong một thời gian dài chị phải luôn sống trong nơm nớp lo sợ. Sự việc chỉ dừng lại khi có người quen biết chuyện và cho chị H. mượn tiền trả nợ.

Cũng là nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, ông T. (đường Dương Bá Trạc, quận 8) đang cầu cứu nhiều nơi vì gần đây gia đình ông liên tục bị tra tấn. Nguyên nhân bắt đầu từ món nợ của vợ ông - đang bỏ trốn - với lãi suất “cắt cổ”. Không tìm thấy con nợ, các đối tượng đòi nợ quay qua “khủng bố” ông T. cùng người thân, như tạt chất bẩn, đổ keo vào ổ khóa nhà... Không những vậy, con gái ông T. cũng bị chửi bới, đe dọa bằng những từ ngữ rất thô thiển. Người đòi nợ thuê còn truy tìm đến chỗ làm việc của cô con gái lớn ông T. chửi bới khiến cô bị mất việc. Riêng ông T. hàng ngày nhận rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ sặc mùi xã hội đen.

Trong khi đó, ông Nguyễn Q. (48 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) vay “nóng” 200 triệu đồng của một đối tượng tên Hưng với lãi suất 3%/tháng. Để vay số tiền trên, ông Q. phải đưa giấy tờ nhà cho Hưng. Ngoài ra, giữa Hưng và ông Q. còn làm một hợp đồng mua bán tài sản.

“Họ nói làm hợp đồng mua bán và giữ giấy tờ nhà để phòng khi tôi không trả nợ; khi tôi trả đủ gốc, lãi thì họ sẽ trả lại giấy tờ nhà và xé hợp đồng. Hưng nói vậy nhưng thực tế không làm như vậy”, ông Q. kể.

Thủ đoạn của nhóm cho vay lộ rõ khi ông Q. đến nói chuyện mượn lại giấy tờ để bán nhà, lấy tiền trả nợ. Lúc này, Hưng và nhóm đối tượng cho vay nói “nhà ông bán cho tụi này rồi”. Người thân ông liên hệ với cơ quan chức năng và hốt hoảng khi biết căn nhà đã sang tên cho một người ở quận Bình Tân và người này mang đi thế chấp ngân hàng vay 5,2 tỷ đồng.

Hậu quả nặng nề 

Công an quận Bình Tân đang làm rõ hành vi cho vay nặng lãi do nhóm Lương Hoàng Anh (35 tuổi, quê Phú Yên) và Nguyễn Bá Phi Công (25 tuổi, quê Kiên Giang), Nguyễn Trung Tín (39 tuổi, quê Trà Vinh) thực hiện. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Hoàng Anh tổ chức cho vay tiền trả góp (lãi và vốn) với lãi suất từ 20% - 25%/tháng. Để tìm người vay, Hoàng Anh cho in tờ bướm giới thiệu rồi thuê Tín, Công đi phát quảng cáo, rao vặt. Từ năm 2015 đến nay Hoàng Anh cho hơn 560 lượt người ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương vay (từ 2 - 30 triệu đồng/người) với tiền vốn hơn 1,8 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Công an TPHCM hiện có hơn 870 đối tượng cho vay trái pháp luật (gọi chung là “tín dụng đen”) hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong đó, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã nên việc đòi nợ thuê được thực hiện bằng nhiều hình thức, kể cả các hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chết người.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, vi phạm trong hoạt động “tín dụng đen” không lớn nhưng hậu quả phát sinh lại rất nặng nề. Năm 2014, bình quân mỗi tháng có một vụ phạm pháp hình sự là hệ quả của hoạt động cho vay trái pháp luật và hiện nay đến 4 vụ/tháng. “Nhẹ nhất là xâm phạm chỗ ở; nặng hơn là cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản và nặng nhất là giết người. Năm 2018 có 3 vụ giết người mà nguyên nhân do đòi nợ không được”, Thiếu tướng Phan Anh Minh dẫn chứng.

Năm 2018, Công an TPHCM lập biên bản khoảng 60 nhóm (hơn 320 đối tượng) vi phạm về hoạt động tín dụng không phép hoặc vi phạm về lãi suất. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt do không đăng ký tạm trú, gây mất trật tự công cộng. Một số vụ bị khởi tố về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. “Sở dĩ công an phải “đi đường vòng” xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi vì pháp luật còn nhiều hạn chế, vướng mắc”, Thiếu tướng Phan Anh Minh giãi bày và cho biết, trong năm 2018, Công an quận Tân Phú khởi tố 2 vụ cho vay lãi suất cao nhưng bị Viện KSND TP “tuýt còi” vì phê chuẩn tạm giam các đối tượng sai quy định.

Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định, trong đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm vào cuối năm 2018, Công an TP đã tập trung đấu tranh với hoạt động tín dụng đen. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp như xử phạt vi phạm về đăng ký tạm trú nhằm sớm phát hiện các đối tượng có vấn đề và có giải pháp xử lý phù hợp, về kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện… 

Thiếu tướng PHAN ANH MINH: Định giá thiệt hại để xử lý ở mức cao hơn

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định, việc cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất (khoảng 8,33%/tháng) và cộng thêm tình tiết thu lợi bất chính (từ 30 triệu đồng trở lên) được xem là có tội. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng cho vay lãi suất cao vẫn còn nhiều sơ hở và không cho phép tạm giam đối tượng trong nhiều trường hợp. 

Hiện nay, trong hệ thống các quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng không có quy định về hành vi cho vay lãi suất cao. Trước nhiều kẽ hở của quy định pháp luật, việc xử lý các đối tượng cho vay lãi suất cao không đủ răn đe nên người dân và ngành công an đều bức xúc. Người dân cũng rất lo lắng trước tình trạng chọi đá, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà thân nhân các con nợ. Vừa rồi, Công an TP kiểm tra tại các quận 6, 8, 9… đã thu được hơn 20 can chất bẩn “chuyên dùng” để đi đòi nợ. Các đối tượng thu mua chất dịch thải từ lò mổ về, để lâu ngày cho phân hủy. Khi mở ra để lập biên bản, các đối tượng cũng ói mửa vì chịu không nổi mùi hôi thối. Thứ đó mà tạt vào tường thì chỉ có cạo tường ra sơn lại mới hết hôi. Do đó, trong trường hợp này, hội đồng định giá trong hoạt động tố tụng cần hỗ trợ định giá thiệt hại khi người dân phải “tô sửa lại nhà” để truy cứu về tội hủy hoại tài sản và xử lý ở mức cao hơn.

Giám đốc một doanh nghiệp ở quận 4, TPHCM: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư

Doanh nghiệp của chúng tôi từng hợp đồng thuê một đơn vị khác gia công hàng hóa. Vì đối tác không thực hiện đúng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm gia công (được ghi rõ trong hợp đồng) nên chúng tôi đề nghị xác định lại sản phẩm lỗi, không lỗi làm căn cứ thanh toán. Tuy nhiên, đối tác nhất quyết không đồng tình, đòi phải trả đủ 100% giá trị hợp đồng. Khi chúng tôi phản ứng thì họ thuê các đối tượng xăm trổ, tướng tá bặm trợn đến đòi nợ. Chúng tôi cử luật sư làm việc thì các đối tượng này buông lời lẽ rất khó nghe và không làm việc với luật sư. Chúng còn dùng những trò như giăng băng rôn, biểu ngữ trước công ty; buông những lời hăm dọa… gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì gần như không can thiệp, không xử lý và không ngăn chặn được các hành vi này. Do đó, chúng tôi đành phải chấp nhận thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng, dù điều này là rất vô lý.

Như vậy có thể thấy, không chỉ người dân bị ảnh hưởng bởi tệ nạn tín dụng đen, đòi nợ thuê mà các doanh nghiệp cũng cảm thấy bất an trước thực trạng hiện nay, đặc biệt là các phương thức, thủ đoạn của hoạt động “đòi nợ thuê”. Rõ ràng, các đối tượng xã hội đen núp dưới danh nghĩa “dịch vụ đòi nợ thuê”, đã có những hành vi rất phức tạp, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư. Do đó, chúng tôi rất đồng tình trước việc UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục