“Tiều phu” cửa biển

Để kiếm được trên dưới 200.000 đồng/ngày, họ phải chèo thuyền thúng ra biển từ 3 giờ sáng. Ngày nối ngày, phơi sương trên sóng nước, phơi lưng dưới nắng nóng cháy da cháy thịt. Người dân TP Nha Trang (Khánh Hòa) và khách du lịch nhiều năm nay quen thuộc với hình ảnh những “tiều phu” cửa biển sớm hôm chài lưới ở vịnh Nha Trang.

Để kiếm được trên dưới 200.000 đồng/ngày, họ phải chèo thuyền thúng ra biển từ 3 giờ sáng. Ngày nối ngày, phơi sương trên sóng nước, phơi lưng dưới nắng nóng cháy da cháy thịt. Người dân TP Nha Trang (Khánh Hòa) và khách du lịch nhiều năm nay quen thuộc với hình ảnh những “tiều phu” cửa biển sớm hôm chài lưới ở vịnh Nha Trang.
 
Anh Trần Văn Nam bật dậy với bình nước đá, khoác vội cái áo, vác bai chèo, ôm cheo lưới ra biển. Trên khuôn mặt người đàn ông gần tuổi ngũ tuần sạm đen vì nắng gió, anh Nam giọng “đặc sệt” dân xứ biển: “Tui mần nghề ni 30 năm rồi nghe, từ khi chưa lấy vợ. Vất vả lắm, nhưng không mần lấy chi ăn. Ngày nào cũng rứa thôi, cứ 3 giờ ra biển, quá trưa về nhà. Ngày nhiều kiếm được vài ba trăm ngàn đồng, có khi chỉ kiếm được trên 100.000 đồng đủ tiền mua gạo thôi, nhưng không làm lấy chi sống. Nói vậy chớ, nghề gì cũng có cái cực, nhưng làm riết rồi quen”.

Ba giờ sáng, TP Nha Trang vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Dáng anh Nam nhanh nhẹn đi ra đầu hẻm. Đứng trên triền cát, anh Nam vừa khởi động chân tay vừa nói sang sảng: “Anh nhìn đi, trên này nhìn xuống biển tối thui à, không thấy chi mô. Từ bờ ni ra nớ khoảng 3 cây số. Để thả được 6 cheo lưới mất cả tiếng đồng hồ. Nếu cá vướng vô thì gỡ luôn rồi thả tiếp. Đói bụng thì ăn cái bánh mì, khát thì có bình nước đá mang theo đó. Trước đây nhiều người làm nghề ni, nhưng giờ thì vài người thôi, vì họ ra khơi xa, đánh bắt được nhiều hơn. Chỉ sợ nhất là gặp sóng gió bất thường chứ chẳng sợ chi. Vịnh Nha Trang sóng yên biển lặng, nhưng nếu có lốc, bão, một mình với cái thuyền thúng ở xa là trở tay không kịp nên tui thường đem theo cái radio để theo dõi thời tiết và nghe đài cho đỡ buồn. Nghề ni cũng cần có sức khỏe nữa. Trong đêm tối giữa biển, tai nạn bất ngờ xảy ra. Được cái, mình có kinh nghiệm lâu năm nên chuyện gặp sóng gió quá bình thường”.

Ở tuổi ngũ tuần, có nhà cửa ở TP Nha Trang, anh Nam có thể kiếm nghề khác mưu sinh nhưng anh vẫn thích ra biển. “Thằng con trai đầu bảo ba ở nhà kiếm việc khác làm, đi biển chi cho cực, nhưng tui không thích. Nói thật, nghề biển đã gắn với tui 30 năm rồi, giờ bỏ sao được. Tui sinh ra từ biển, yêu biển, đó là lý do tui mưu sinh, lập nghiệp ở đây”, anh Nam giải thích.

"Tiều phu" Trần Văn Nam đang thả lưới trên vịnh Nha Trang lúc bình minh buổi sớm

Ở cửa vịnh Nha Trang, có hàng trăm người khác làm nghề chài lưới như anh Nam. Trong số ấy, phần lớn là dân ngoại tỉnh. Là người “cùng bạn cùng thuyền” với anh Nam, vợ chồng anh Hồ Văn Lượng, chị Hồ Thị Xuân quê gốc ở Hải Lăng, Quảng Trị chọn Nha Trang làm quê hương thứ 2 của mình. Từ miền quê nghèo khó, vợ chồng cùng 2 con nhỏ vào đây mưu sinh từ đầu năm 2006. Những ngày đầu, vợ bán hàng rong, chồng bốc vác thuê. Anh Lượng bảo: “Hồi ngoài quê, tui và vợ đều làm nghề biển. Ngày nớ mới vô đâu dễ dàng kiếm việc làm. Hơn nữa, nghề biển cực nhọc nên cũng muốn đổi nghề. Ai dè, mỗi lần ngồi trước biển, có cái chi đó thúc dục. Vậy là vợ chồng xin đi làm thuê cho tàu cá. Phải mất hơn 3 năm mới tách làm riêng. Bây chừ, tui mua được cái tàu nhỏ và 2 cái thuyền thúng rồi. Ngày mô cũng đánh cá ở vịnh ni. Nghề ni không giàu được mô, nhưng đủ sống, mua được nhà cửa là khá rồi đó”, anh Lượng chia sẻ.

Trần Ngọc Sơn đã bám trụ cửa vịnh Nha Trang hơn 5 năm qua. Quê gốc Ninh Hòa (Khánh Hòa), Sơn theo cha lên Nha Trang đi biển. Khi cha Sơn còn sức khỏe, hai cha con đi đánh bắt xa bờ. Từ ngày cha bị liệt chân trái do sức ép của nước trong một chuyến biển xa, Sơn lui vào vịnh Nha Trang chài lưới, vừa mưu sinh, vừa có thời gian chăm sóc cha: “Gia đình em đều làm nghề biển. Vẫn biết nghề này khổ cực, nhưng nghề ngấm vào máu thịt rồi. Nghề “tiều phu” ở đây chuyên nghiệp lắm nha. Đánh cá ở đây phải đăng ký với TP và có giấy phép. Không được xả rác ra biển và cam kết phương tiện đánh bắt luôn bảo đảm kỹ thuật an toàn như áo phao cứu hộ”.

Sau một ngày mưu sinh mệt nhọc, anh Nam, vợ chồng anh Lượng trở về tổ ấm của mình ở cuối hẻm sâu trên đường Dã Tượng, còn “ngư phủ” Sơn sau khi kéo thuyền thúng vào bến đậu, phóng xe máy về nhà phía đồi Sạm sát chùa Đa Bảo. Dù ở trong căn nhà nhỏ, họ đều có niềm vui chung là được mưu sinh nơi cửa vịnh Nha Trang. Dẫu nhọc nhằn, nhưng nghề chài lưới đã đồng hành với họ hơn nửa cuộc đời. Dân biển chính gốc Nha Trang không chỉ ngưỡng mộ vợ chồng anh Lượng, chị Xuân, cha con anh Sơn và nhiều “tiều phu” khác, vì dân tỉnh lẻ mà mua được đất, xây được nhà và có hộ khẩu trong TP; mà còn quý trọng họ bởi đức chăm làm và góp phần làm sạch môi trường biển n

TUẤN MẠNH

Tin cùng chuyên mục