Tiết học ngoài nhà trường sẽ gọn nhẹ, thiết thực

Mô hình tiết học ngoài nhà trường là một trong những hình thức dạy học khá mới mẻ hướng đến mục tiêu phát triển năng lực cho người học. Tuy nhiên, nếu hoạt động tổ chức cho học sinh đến cơ sở sản xuất, kinh doanh học tập, tham quan được thiết kế ngoài chương trình, sử dụng thời lượng ngoài chương trình, thì việc kiểm tra, đánh giá không được đặt lên hàng đầu.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm năm học 2018-2019 diễn ra chiều 11-10.

Theo ông Tân, hình thức tổ chức tiết học ngoài nhà trường đòi hỏi phải đáp ứng lượng kiến thức, kỹ năng cụ thể, có kết hợp kiểm tra, đánh giá học sinh. Tiết học được xây dựng ngoài không gian lớp học với một mô hình mẫu chung nhưng không áp đặt, bắt buộc các trường tham gia thực hiện.

Thời lượng dạy học nằm trong chương trình chính khóa. Kiến thức, kỹ năng được hình thành trong quá trình trải nghiệm kết hợp cùng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. 

Tiết học ngoài nhà trường sẽ gọn nhẹ, thiết thực ảnh 1 Học sinh tham gia tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường tại Thảo Cầm viên, TPHCM
Về tiết học này, Sở GD-ĐT TPHCM đặc biệt lưu ý: các hoạt động phải được thiết kế trên tinh thần gọn nhẹ, đảm bảo an toàn, thiết thực cho học sinh.

Đây là một trong những hình thức dạy học theo xu thế đổi mới, đồng thời là bước chuẩn bị cho các trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi thực hiện tiết học ngoài nhà trường, các trường phải chú ý thỏa thuận với cha mẹ học sinh, tránh các nguy cơ mất an toàn cho học sinh khi ra ngoài khuôn viên trường học.

Riêng vấn đề thu phí, các trường phải xây dựng dự toán, thu - chi công khai, minh bạch, tránh gây hiểu lầm trong cha mẹ học sinh là trường dùng kiểm tra, đánh giá để ép học sinh đăng ký tham gia.

Nếu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tham gia hoạt động có thu phí, thì trường học phải có phương án hỗ trợ kinh phí (từ nguồn kinh phí hội khuyến học, nhà tài trợ hoặc từ đơn vị đối tác…).

Trường hợp học sinh không có điều kiện tham gia, trường phải lên phương án thay thế, đảm bảo các em vẫn được tiếp thu đủ lượng kiến thức, kỹ năng theo chương trình. 

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết đơn vị đã xây dựng chương trình từ năm 2014, đến năm 2016 mới chính thức đưa vào áp dụng.

Quy trình xây dựng một tiết học gồm 5 bước: khảo sát thực tế, xây dựng nội dung, thẩm định đánh giá, phổ biến thực hiện và nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện chương trình. Nếu học sinh không có điều kiện tham gia tiết học, sẽ được học tập theo hình thức thay thế.

Đơn cử, trong chương trình Sinh học lớp 6, học sinh được đến Thảo Cầm viên để có trải nghiệm thực tế. Trong khi đó, Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp) cho biết đã chọn hình thức tổ chức tiết học ở thư viện, vườn trường, giúp học sinh có thêm trải nghiệm ngoài phạm vi lớp học. 

Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (quận 7), cho rằng không phải môn học nào, phần kiến thức nào cũng thích hợp tổ chức tiết học ngoài nhà trường. Mỗi chuyến đi không nên ôm đồm quá nhiều bộ môn hoặc kiến thức cần truyền tải, vì như thế sẽ tạo thêm áp lực cho học sinh.

Còn ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, kiến nghị Sở GD-ĐT nên có những chỉ đạo cụ thể, sát sao hơn, tránh tình trạng các trường làm theo phong trào nhưng không hiệu quả. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết hiện nay có 50% trường trung học trên địa bàn TPHCM triển khai tiết học ngoài nhà trường. Mục tiêu năm học tới sẽ mở rộng 100% trường triển khai.

Về cách thức thực hiện, sở giao quyền chủ động tổ chức tiết học ngoài nhà trường cho các đơn vị, khuyến khích các trường chủ động thiết kế chương trình đáp ứng yêu cầu sáng tạo, thiết thực, gắn với quyền lợi học sinh. Khi hoạt động đi vào ổn định, sở không thẩm định chương trình mà chỉ tổ chức kiểm tra. 

Tin cùng chuyên mục