Tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ chi hàng tỷ đồng chạy điểm

Điều tra vụ gian lận chủ yếu là trách nhiệm của công an địa phương. Do đó, gian lận ở Hà Giang, Sơn La do công an địa phương làm. Còn ở Hòa Bình do địa phương đề nghị Bộ Công an điều tra, cũng như Bộ Công an nhận định đây là tội phạm mới nên Bộ Công an điều tra để có kinh nghiệm.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: VGP

Sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là tư lệnh ngành đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa IV.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ an ninh trật tự thời gian qua đạt nhiều kết quả. Việt Nam được xem là điểm đến an toàn của khách du lịch, trong đó có công sức đóng góp của ngành công an. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự đang diễn biến phức tạp. Trong đó tội phạm ma tuý gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn bị bắt giữ. Nhóm tội phạm này đang lợi dụng Việt Nam để vận chuyển ma túy sang nước thứ ba. Trong khi đó, người nghiện ngày càng gia tăng.

“Ma túy đang là tội phạm của nhiều loại tội phạm khác. Trong khi đó, tín dụng đen cũng diễn biến phức tạp, len lỏi đến các vùng quê. Tình trạng mua bán trẻ em có diễn biến mới như mua bán bào thai qua biên giới. Vấn đề tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia cũng đang cần sự chung tay giải quyết của toàn xã hội”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Chủ trương của Bộ Công an là giảm tội phạm, xoá bỏ nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm. Những tháng đầu năm 2019, số vụ phạm pháp hình sự đã giảm 3% nhưng bên cạnh kết quả đạt được còn không ít thách thức.

Công an Việt Nam hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma túy 

Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chất vấn về tội phạm ma túy, tín dụng đen, thảm sát. Dẫn ra vụ thảm sát đổ bê tông giấu thi thể mới đây, ĐB này chất vấn phải chăng do yếu kém của công tác bám sát địa bàn, vấn đề con người yếu kém hay do đạo đức công vụ?

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đều thể hiện bức xúc với tội phạm ma túy, khi mà lượng ma túy đến hàng tấn, len lỏi khắp địa phương. Trách nhiệm của Bộ Công an ở đâu, giải pháp phòng ngừa căn cơ? Nhiều ĐB khác cùng có chung chất vấn về tội phạm ma túy.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: QUOCHOI.VN

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Quốc hội cũng thông qua luật với hình phạt rất nghiêm khắc cho loại tội phạm này, 9/13 hình phạt ở khung cao nhất (tử hình). Chính phủ có kế hoạch phòng chống ma túy; các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để đối phó với loại tội phạm này. Những năm qua, lực lượng công an đã dự báo trước tình hình, triển khai nhiều biện pháp, kết quả đấu tranh phòng chống ma túy vừa qua đã nói lên điều này. Tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, Việt Nam lại ở gần trung tâm sản xuất ma túy là Tam Giác Vàng nên nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao. Hiện nay, đã phát hiện các đường dây ma túy có sự can thiệp của các đối tượng người nước ngoài, phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ chi hàng tỷ đồng chạy điểm ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: QUOCHOI.VN

Nhờ dự báo trước tình hình, từ 2018, công an đã ngăn chặn các vụ vận chuyển qua Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Sơn La. Sau đó chúng chuyển hướng hoạt động vào miền Trung, miền Nam. "Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma túy, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển", Bộ trưởng Bộ Công an nói. Dù ở gần vòng xoáy trung tâm thứ 2 sản xuất ma tuý lớn trên thế giới, nguồn cung lớn, nhu cầu trong nước đang phát triển nhưng so với ASEAN thì Việt Nam có thể kiểm soát được. Số người nghiện ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 Philippines.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng thừa nhận, chống tội phạm ma túy có nhiều thách thức lớn. Việt Nam ở gần vòng xoáy thứ 2 về ma túy, lượng người nghiện ma túy lớn. Cũng còn nhiều vướng mắc trong công tác phòng chống ma túy, như Bộ Luật hình sự đã bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma túy; quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong quản lý cửa khẩu, thủ tục hàng hóa nhập khẩu thông quan rất thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng lại bị tội phạm lợi dụng. “Chúng tính toán là làm 3 vụ, bị bắt 2 vụ thì vẫn có lời", Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho rằng, thời gian tới, các lực lượng ở cửa khẩu như biên phòng, công an... cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Nói về các giải pháp căn cơ để phòng chống ma túy, Bộ trưởng nhấn mạnh, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng chống ma túy, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, song song đó chặn nguồn cung - cầu ma túy, phối hợp chặt chẽ với quốc tế để phòng chống ma túy.

Phải chăng việc vận chuyển ma túy qua Việt Nam dễ dàng hơn?

Dù Bộ trưởng trả lời sâu về chống tội phạm ma túy, nhưng hàng loạt các ĐB sau đó vẫn tiếp tục chất vấn về nội dung này. ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng, người dân vô cùng bất an về tội phạm ma túy với những đường dây tội phạm khủng. Vì thế, ngoài những giải pháp đó, cần những giải pháp cụ thể nào nữa. Việt Nam liệu có chắc chắn không thành điểm trung chuyển ma túy? ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) tranh luận yêu cầu phải làm rõ tại sao thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ án ma túy vận chuyển với số lượng lớn, phải chăng việc vận chuyển qua Việt Nam dễ dàng hơn?.  Chỉ khi làm rõ nguyên nhân thì mới có giải pháp căn cơ để ngăn chặn.

Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, sở dĩ có thực trạng trên vì Việt Nam đang phải chịu áp lực ma túy từ nước ngoài vào rất lớn. Từ khu vực Tam Giác Vàng đến Việt Nam chỉ 500 km; điều kiện đất nước mở cửa để phát triển kinh tế cũng là cơ sở để tội phạm lợi dụng đưa ma túy vào Việt Nam. Ngoài ra, đường biên giới Việt Nam rất dài khiến việc kiểm soát khó khăn. Hiện cơ quan chức năng mới kiểm soát được ở các cửa khẩu, còn các lối mòn thì chưa thể kiểm soát. “Bộ Công an đã đề xuất với Chính phủ kế hoạch tổng thể để ngăn chặn tội phạm qua biên giới và được phê duyệt. Chúng tôi cũng phối hợp Lào tổ chức cao điểm triệt phá ma túy  có hiệu quả tốt...", Bộ trưởng nói.

Cùng với đó, quản lý chặt cửa khẩu. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân để phòng ngừa ma túy...

Sẽ đề xuất khôi phục quy định xử tội hình sự đối với người sử dụng ma túy

Trả lời chất vấn của ĐB về việc hoành hành của các băng nhóm, trong đó có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hóa, biến chất, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, tội phạm đang không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hóa lực lượng công an.

“Từ làm quen, dụ dỗ mua chuộc, không được thì tấn công đe doạ, bôi nhọ, vu khống, không chỉ chiến sĩ công an mà còn gia đình, người thân của họ. Quá trình đó, có chiến sĩ không chịu được đã mất phẩm chất, có quan hệ, thậm chí làm ngơ cho tội phạm, bảo kê, hợp tác với tội phạm" - Bộ trưởng nói.

Ông khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước là kiên quyết loại bỏ những cán bộ biến chất, nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ bị vu khống, xuyên tạc. Vừa qua, các cán bộ công an vi phạm đã bị xử lý nghiêm, từ hành chính đến hình sự, "không có vùng cấm, bất kể cấp nào".

"Chúng tôi kiên quyết chống bảo kê để khôi phục lòng tin đối với ngành công an", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam), ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, trong các nguyên nhân khiến tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, có ý kiến nói rằng do chúng ta xem người nghiện ma túy là người bệnh, không phải là tội phạm, vì thế quy định người nghiện ma túy không bị xử lý hình sự, trong khi đó đưa người nghiện vào cai nghiện thì rất khó khăn.  Vậy có nên khôi phục lại quy định người sử dụng ma túy là người vi phạm pháp luật không?

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, việc bỏ quy định tội hình sự đối với người sử dụng ma túy trong Bộ luật Hình sự thời gian qua, Bộ Công an và cá nhân tôi hứa sẽ nghiên cứu, đề xuất khôi phục lại quy định này.

ĐB Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chất vấn: vì sao số lượng tướng lĩnh vi phạm đến mức phải xử lý vừa qua rất nhiều, ai là người chịu trách nhiệm về quá trình đề bạt, bổ nhiệm?".

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Công an Tô Lâm không trả lời vì theo Chủ tịch Quốc hội, hiện các tướng công an vi phạm đều đã bị xử lý, không có vùng trống nào cho các tướng công an vi phạm. Còn trách nhiệm đề bạt, bổ nhiệm thì để bổ nhiệm tướng phải được thực hiện theo quy trình mà Quốc hội đã quy định.

"Khi người ta tốt thì bổ nhiệm, có vi phạm phải xử lý, đây là điều rất bình thường. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng bị xử lý", Chủ tịch Quốc hội nói.

"Chưa phát hiện vi phạm trong điều tra về các vụ án gian lận thi cử"

Về tiến độ xử lý, điều tra vụ án gian lận điểm thi, gian lận thi cử THPT năm 2018, nhất là quá trình điều tra, làm rõ hành vi "đưa tiền cho bị can của các phụ huynh” với cả tỷ đồng/trường hợp như vừa qua báo chí thông tin, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, vụ gian lận thi cử ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, lực lượng chức năng đã điều tra 3 vụ, 16 bị can.

Kết quả điều tra đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao, can thiệp sửa chữa, nâng điểm cho thí sinh. Qua điều tra cũng xác định 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi, trong đó Hòa Bình 66 thí sinh, Hà Giang 107 và Sơn La là 44. Trước mắt để đảm bảo điều tra đúng thời hạn, cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can đã xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao.

“Còn việc "các phụ huynh đưa, nhận tiền đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ", công an sẽ công bố sau khi có kết luận điều tra”, Bộ trưởng nói. 

Đồng thời Bộ trưởng cho rằng, điều tra vụ gian lận chủ yếu là trách nhiệm của công an địa phương, do đó gian lận ở Hà Giang, Sơn La do công an địa phương làm. Còn ở Hòa Bình do địa phương đề nghị Bộ Công an điều tra, cũng như Bộ Công an nhận định đây là tội phạm mới nên Bộ Công an điều tra để có kinh nghiệm.

“Trong quá trình điều tra ở cả ba tỉnh, Bộ Công an quan tâm đặc biệt đến tội phạm mới này, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát để giám sát chặt quá trình điều tra, đảm bảo khách quan khi điều tra vụ án. Đến nay, chưa phát hiện vi phạm trong điều tra về các vụ án gian lận thi cử”, Bộ trưởng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục