Tiếp thị qua mạng xã hội lên ngôi

 Xu hướng tiếp thị thông qua hình thức hội thoại sử dụng chat bot - công cụ nhắn tin trên Facebook, Zalo, Wechat... với nhiều ưu điểm đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới. 
Tiếp thị qua mạng xã hội lên ngôi
Theo thống kê của Facebook, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người dùng Facebook trên điện thoại thông minh. Người dùng cũng dành nhiều thời gian gấp 5 lần để xem các nội dung video trên Facebook so với các nội dung ảnh và nội dung dạng văn bản. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nhằm tăng cường quảng bá cho thương hiệu và sản phẩm của mình.
Các chuyên gia cho rằng, truyền thông thay thổi liên tục vì công nghệ thay đổi liên tục. Hiện có đến 70% số người dùng tìm kiếm sản phẩm online thông qua kênh tìm kiếm của Google. Con số này đã tăng 85% trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, hiện nay, Facebook trở thành nơi các video lan tỏa còn tốt hơn cả YouTube. Facebook cũng tấn công thị trường truyền hình khi ứng dụng này bắt đầu trở thành nơi để trình chiếu video.
Ông Lior Illouzu, Giám đốc Đối tác chiến lược của Facebook tại Singapore, cho biết để tăng nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho clip dành để quảng bá trên các thiết bị di động thông minh. Với khả năng thu hút sự chú ý từ người xem, cũng như với từng đối tượng khách hàng của phương tiện này, doanh nghiệp cần hướng tới tránh rập khuôn theo các mô hình quảng cáo như trên truyền hình.
Phân tích về thực trạng phát triển thương hiệu doanh nghiệp Việt tại Việt Nam, nhiều chuyên gia khẳng định, việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tuy đã được chú trọng và có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, do nguồn lực về nhân sự, tài chính để xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, quảng cáo, marketing trên các kênh truyền thông còn thiếu và yếu nên nhiều sản phẩm Việt chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường
Ông Hùng Võ, Phó Tổng giám đốc tiếp thị Biti’s Việt Nam, chia sẻ điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đa phần đến từ năng lực tài chính eo hẹp, chi phí dành cho marketing, quảng cáo ít. Để có thể bắt kịp xu hướng phát triển cũng như truyền thông quảng cáo hiện nay, doanh nghiệp cần “mượn lực” - đặc biệt chú ý tới các thời điểm mua sắm trong năm, như dịp tết, mùa khai trường... Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tận dụng tối đa điều kiện có thể khi tham gia chương trình trọng điểm trong năm của TPHCM như: Chương trình bình ổn thị trường, tháng khuyến mãi, hội chợ xúc tiến đầu tư, kết nối hợp tác trong các lĩnh vực ngành… để tận dụng triệt để việc truyền thông, tiếp thị, tăng cường nhận diện thương hiệu.
Ở một khía cạnh khác, ông Bùi Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT và sáng lập Vietstarfood, cho rằng những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương hiệu trên hệ thống online đã rất sẵn sàng. Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực chuyển đổi nếu không muốn bị tụt hậu về phát triển thương hiệu so với các doanh nghiệp nước bạn. Bởi Việt Nam với dân số trên 90 triệu người; trong đó, có hơn 50% người dùng internet và live stream. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi hình thức quảng cáo thương hiệu bằng cách dùng mobile video để quảng cáo sản phẩm, thương hiệu. 
Không dừng lại đó, xu hướng tiếp thị thông qua hình thức hội thoại sử dụng chat bot - công cụ nhắn tin trên Facebook, Zalo, Wechat... với nhiều ưu điểm đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới. Phương pháp này không chỉ tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng mà còn có thể ứng dụng trong xây dựng thương hiệu, kết hợp quản lý dữ liệu. Đơn cử, AXE, một thương hiệu của Unilever, đã sử dụng WhatsApps để giao tiếp hiệu quả với nhóm những người trẻ tại Ecuador và tạo tăng trưởng về doanh số lên tới 33%. Hay như tại Zalo (theo bà Nguyễn Thị Trà My, phụ trách marketing sản phẩm trên Zalo), tiếp thị sản phẩm bằng cách mở các cửa sổ tư vấn online để người tiêu dùng nói chuyện trực tiếp với người bán hàng là hình thức tiếp thị trực tuyến, giúp khách hàng hài lòng nhất (đạt 73%), cao hơn hẳn so với mức độ hài lòng của các phương thức khác như gửi email hoặc gọi điện thoại trực tiếp.
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm nhập khẩu, việc đầu tư để phát triển thương hiệu là vấn đề cần phải chú trọng.

Tin cùng chuyên mục