Tiếp sức ngành chế biến lương thực, thực phẩm

Từ đầu năm 2017, TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) như mở rộng hệ thống điểm bán (riêng hệ thống phân phối thực phẩm hàng bình ổn hiện đạt 3.943 điểm, tăng 252 điểm bán so với năm 2016); bình ổn thị trường với giá bán các mặt hàng thực phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5% - 10%... 
Người tiêu dùng hiện đại có xu hướng chọn thực phẩm chế biến sẵn
Người tiêu dùng hiện đại có xu hướng chọn thực phẩm chế biến sẵn
Bên cạnh đó, TPHCM cũng phát huy lợi thế của những thương hiệu lớn như Saigon Co.op, Vissan, Công ty CP kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), Cầu Tre... và  1.700 doanh nghiệp sản xuất, chế biến liên quan đến lĩnh vực lương thực, thực phẩm.
Phát huy lợi thế thương hiệu
Đón đầu xu thế phát triển của ngành hàng chế biến thực phẩm, hiện nay, nhiều DN lớn của thành phố đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng thêm điểm bán. Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đang tiếp tục đầu tư dự án cụm công nghiệp chế biến thực phẩm tại Long An với vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Đơn vị này dự kiến trong năm 2017, mảng thực phẩm chế biến tăng trưởng gần 15% và đạt 150.000 điểm bán trên toàn quốc. Hiện các sản phẩm thực phẩm chế biến của DN đang chiếm lĩnh thị trường, với 65% thị phần xúc xích, 75% thị phần lạp xưởng, 40% thị phần hàng đông lạnh… Bên cạnh đó, Vissan cũng liên kết cung cấp các loại sản phẩm thực phẩm chế biến cho nhiều hệ thống phân phối lớn trong nước như Saigon Co.op, VinMart.
Mới đây, Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre đã được UBND thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến thực phẩm từ thịt và thủy sản, sản xuất các loại trà và bánh kẹo tại Khu công nghiệp Hiệp Phước với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Đây là bước phát triển quan trọng của Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU...
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết nhờ hợp tác với Saigon Co.op phát triển nhãn hàng riêng, nên đến nay các sản phẩm của San Hà đã phủ sóng rộng khắp TPHCM, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Do các chính sách nhãn hàng riêng của các nhà bán lẻ luôn có giá hấp dẫn và cạnh tranh nên thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Với vai trò là DN nòng cốt tham gia tích cực Chương trình bình ổn thị trường, thời gian qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đẩy mạnh liên kết với các DN, hợp tác xã chế biến thực phẩm nội địa để sản xuất ra các sản phẩm mang nhãn hàng riêng. Nhiều DN Việt có uy tín về thương hiệu như Saigon Food, San Hà, Vinamit, giấy Sài Gòn, Kinh Đô… đều “bắt tay” với Saigon Co.op. 
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết để đưa vào kinh doanh 4 nhóm thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Co.op Organic, nhà bán lẻ này đã hợp tác với nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh uy tín trong nước. Trong thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng về thực phẩm chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, Saigon Co.op sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất các sản phẩm hữu cơ, nhất là mặt hàng rau củ quả và cá trên diện tích 300ha tại Cà Mau.
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Với đặc trưng là ngành hàng chế biến thực phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, cộng với tác động của hội nhập kinh tế quốc tế nên các DN trong ngành đang chịu nhiều trước sức ép của các mặt hàng nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ… được phân phối tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, trong thời gian tới khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và áp dụng lộ trình giảm thuế suất, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa nhập khẩu thâm nhập vào thị trường Việt Nam. 
Ghi nhận thực tế ở ngành hàng bánh kẹo, với thuế suất nhập khẩu giảm xuống còn 0% từ năm 2015 đến nay đã khiến thị trường bánh kẹo nội địa phải đối mặt với sự xuất hiện ồ ạt của các sản phẩm nhập khẩu từ nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu mặt hàng bánh, kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc đạt 44,1 triệu USD, tăng 7,16% so cùng kỳ (cùng kỳ chỉ tăng 2,5%).
Theo bà Lý Kim chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM, hiện hơn 90% DN thuộc hiệp hội là các DN nhỏ và vừa, đa phần hạn chế về vốn, trình độ công nghệ còn lạc hậu, gặp khó về đầu ra sản phẩm... Chính vì vậy, các DN trong hiệp hội đang đứng trước áp lực cạnh tranh vô cùng lớn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với sự xâm nhập của nhiều DN lớn. Còn bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Saigon Food, cho rằng các DN sản xuất chế biến thực phẩm trong nước cần liên kết với nhau để tăng tiếng nói của DN... tránh tình trạng DN Việt đưa hàng vào các hệ thống phân phối của nước ngoài (mở tại Việt Nam) bị ép giá, đòi chiết khấu cao. Bên cạnh đó, các DN Việt có thể liên kết, tận dụng lợi thế hệ thống phân phối của từng DN để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Trước những khó khăn mà các DN chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập, trong quý 2-2017, UBND TPHCM và Hội Lương thực Thực phẩm thành phố đã ký kết chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố. Theo đó, định kỳ hàng quý, UBND TPHCM và Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM sẽ phối hợp tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo thành phố với DN ngành chế biến lương thực, thực phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh theo từng chuyên đề như vốn, kêu gọi đầu tư, xuất - nhập khẩu, thuế, đất đai... nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời tổ chức tọa đàm cung cấp những thông tin về hội nhập, xu hướng phát triển và các thông tin khác liên quan đến ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm cho các doanh nghiệp trong ngành.

Tin cùng chuyên mục