Tiếp sức Đường sách Vũng Tàu

Đường sách Vũng Tàu ra đời với sự kỳ vọng sẽ khơi dậy văn hóa đọc cho người dân và góp phần làm đa dạng hơn các sản phẩm du lịch vốn được đánh giá là đơn điệu của thành phố biển. Tuy nhiên, sau nhiều tháng hoạt động, Đường sách Vũng Tàu lại rơi vào cảnh khá đìu hiu, cần có những cuộc tiếp sức để có thể duy trì lâu dài. 
Với vị trí đắc địa, nằm kế Công viên Quang Trung, gần Bãi Trước, Đường sách Vũng Tàu đi vào hoạt động từ ngày 12-2 với 19 quầy, trong đó có 2 khu cà phê sách, 6 gian hàng văn hóa tổng hợp, 11 quầy sách của những nhà xuất bản, nhà sách kỳ cựu trong làng sách: NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, Nhà sách Phương Nam book, Hoàng Cương, 24h…
Bước khởi đầu đầy thuận lợi khi 2 tuần đầu tiên trong dịp tết, đường sách thu hút hơn 15.000 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh số hơn 1,5 tỷ đồng. Nhưng từ sau hội hoa xuân, lượng khách đến với đường sách giảm mạnh.
Tiếp sức Đường sách Vũng Tàu ảnh 1 Đường sách Vũng Tàu đìu hiu vắng khách
Hiện đã bước vào kỳ nghỉ hè nhưng vào dịp cuối tuần, khách đến với đường sách vẫn lác đác. 
Chị Phạm Thùy Linh, đại diện quản lý 5 quầy sách Phương Nam book với 8.000 đầu sách, nói: “Tiềm năng phát triển của đường sách rất khả quan, trong dịp tết lượng khách đến rất lớn, doanh số thu về cũng rất khá. Tuy nhiên, sau tết, lượng khách giảm sâu 70% - 80% khiến nhà sách gặp khá nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do nhiều người dân chưa biết nhiều về đường sách, đồng thời còn nhiều bất cập khác. Một trong số đó là vị trí bãi đỗ xe và việc thu giá vé xe máy từ 4.000 - 6.000 đồng cho ngày thường và 7.000 đồng cho thứ bảy, chủ nhật.
Ngay khi chưa xem được sách thì khách đã thiếu thiện cảm nên rất khó để họ bỏ tiền ra mua sách hoặc trở lại nhiều lần. Còn đại diện nhà sách NXB Trẻ cho biết, ngoài các vấn đề về bãi giữ xe, không gian đọc cũng rất hạn hẹp. Bạn đọc không thể đứng cầm một quyển sách để đọc trong cả một thời gian dài, nhất là với những người lớn tuổi. 
Từ góc nhìn của người đọc sách, thầy Phạm Ngọc Luận - giáo viên dạy Hóa tại Vũng Tàu, cho rằng: Chủ trương thành lập Đường sách Vũng Tàu là đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Sự tồn tại của đường sách ý nghĩa hơn so với việc mở thêm một con đường ăn nhậu hay kinh doanh thời trang. Việc cần làm ngay là phải tìm cách thu hút được đối tượng học sinh, sinh viên.
Ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, đường sách thể hiện nỗ lực của chính quyền tỉnh và TP Vũng Tàu với mong muốn khơi dậy văn hóa đọc, đồng thời thổi vào bầu không khí du lịch thêm những điểm nhấn hấp dẫn.
Để giải quyết những vấn đề của đường sách, UBND TP Vũng Tàu đã giao Phòng Quản lý đô thị đầu tư cải tạo mỹ quan đô thị xung quanh đường sách, trong đó sẽ thiết kế lại hệ thống chiếu sáng, điện trang trí, thiết kế lại hệ thống cây xanh, bố trí thêm các ghế phục vụ bạn đọc. Hiện thành phố cũng đang trình tỉnh đề án để hỗ trợ đường sách trong thời gian tới.
Về phía các nhà sách, cần có các hình thức đa dạng, như phối hợp đoàn thanh niên, các trường học tổ chức tour đọc sách cho học sinh, tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, tác giả - tác phẩm, thực hiện các gói ưu đãi giảm giá để thu hút độc giả đến đường sách, bố trí không gian cà phê sách, thư viện mini, mua bán lại sách cũ để đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa của đường sách.

Tin cùng chuyên mục