Tiên phong năng lượng xanh

Thành công của chiến lược Energiewende (tạm dịch: Chuyển đổi năng lượng) đã giúp nước Đức thay đổi hoàn toàn cơ cấu năng lượng: tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo đang tiến dần đến ngưỡng 50% toàn bộ nguồn cung điện năng, trong đó điện từ năng lượng Mặt trời chiếm vị trí số 1.

Từ những năm 1980, Đức đã đề ra chiến lược Energiewende khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra khiến giá thành sản xuất điện tăng cao, trong khi làn sóng phản đối xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trở nên mạnh mẽ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine. Quốc hội Đức đã thông qua đạo luật đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân, ban hành các chính sách phát triển năng lượng sạch, xây dựng lại hệ thống cùng cấp năng lượng để đảm bảo nguồn cung mà không phụ thuộc vào điện sản xuất từ than đá làm ô nhiễm môi trường. Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW), trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ năng lượng tái tạo đã đạt đến mức cao kỷ lục 44% trên tổng sản lượng điện tại Đức, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tháng 6-2019, điện từ năng lượng Mặt trời đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 19,2% tổng sản lượng điện. 

Việc phát triển điện từ năng lượng Mặt trời tại Đức bùng nổ trong những năm qua là do chi phí giảm khi giá thành các module quang điện hạ xuống mức rất thấp, trong khi nhiều nhà máy lớn đầu tư hệ thống điện Mặt trời riêng để giảm chi phí năng lượng cũng như đạt được các yêu cầu về mức độ phát thải carbon trong việc bảo vệ môi trường. Theo quy định trong Luật Năng lượng tái tạo (Luật EEG) của Đức, chậm nhất đến năm 2025, khoảng 40% - 45% là điện tái tạo; vào năm 2035 đạt khoảng 55% - 60% và đến năm 2050 ít nhất 80% điện năng và 60% tổng nhu cầu năng lượng sẽ phải được đáp ứng từ nguồn năng lượng tái tạo. 

Hiện Đức cũng đã đóng cửa một số cơ sở trong tổng số 17 nhà máy điện hạt nhân trên toàn liên bang. Những nhà máy được xây dựng từ năm 2013 vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 2022, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Đức. Các nhà máy điện than cũng sẽ dần phải đóng cửa, do vấn đề ô nhiễm môi trường. Tiềm năng phát triển điện gió đang có nguy cơ bị hạn chế do các yêu cầu cao hơn trong việc bảo vệ môi trường, sự phản đối của các địa phương và nhiều rắc rối liên quan đến thủ tục pháp lý, nhất là đối với các nhà máy điện gió đặt trong đất liền. Bên cạnh đó, nhu cầu thay mới các turbine đã có tuổi đời 20 năm cũng tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến công suất của các nhà máy lớn. Điều này buộc Chính phủ Đức một mặt khuyến khích phát triển điện gió trên biển, mặt khác đẩy mạnh phát triển điện Mặt trời.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những lo ngại từ các nhà hoạt động môi trường về hệ quả lâu dài mà điện Mặt trời có thể gây ra, từ việc xử lý các tấm pin quang điện đã hết hạn sử dụng. Vì thế, bài toán xử lý pin năng lượng Mặt trời sau khi sử dụng cũng đang được nước Đức đầu tư nghiên cứu. Với tầm nhìn chiến lược, cùng với trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển, năng lực tài chính mạnh mẽ, Đức đang là lá cờ đầu cho công cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh, không chỉ ở châu Âu mà còn cả trên bình diện thế giới.

Tin cùng chuyên mục