Tiền đề cho thay đổi và cải tiến

Các nhà kinh tế số chỉ ra, tại Việt Nam, các mô hình số hóa đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Tuy nhiên, chúng cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi đầy áp lực với mô hình kinh doanh truyền thống. Trước viễn cảnh các mô hình số hóa tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng những công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

Trong cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, tiến bộ công nghệ sẽ tăng kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ... tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo. Những thành phần điển hình của nền công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) bao gồm sự xuất hiện của công nghệ Internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự lái, robot, máy in 3D, vật liệu mới, nano cùng đột phá về nhận thức trong những quy trình sinh học. Như vậy, các ngành, các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều phải chuyển mình để thích ứng thời đại 4.0.

Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam 2018 do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cụ thể là Mạng lưới Chuyên gia kinh tế số Việt Nam (Vietnam Digital Economy - VDE) phối hợp Công viên Phần mềm Quang Trung và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức đã nêu ra nhiều thách thức và giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Diễn đàn cũng cho thấy sự thay đổi sâu rộng và đáng kể của nền kinh tế thế giới dưới tác động của CMCN 4.0. Với hiệu quả kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục - đào tạo đến giao thông vận tải, khách sạn, phân phối, bán buôn và bán lẻ...

Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chính xu thế này đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2020, 30% doanh thu của doanh nghiệp sẽ đến từ các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số và doanh nghiệp nào nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ có lợi nhuận cao hơn 26% so với các doanh nghiệp khác. Đáng chú ý, theo một khảo sát của Microsoft, có tới 81% lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới được hỏi tin rằng, việc chuyển đổi số có thể kích hoạt tăng trưởng. WEF cũng dự báo trong vòng 5 năm tới, sẽ có khoảng 7,1 triệu người mất việc do dư thừa lao động và quá trình tự động hóa. Như vậy, trong tương lai không phải là con người đấu với máy móc mà là hợp sức cùng với máy móc để tạo ra những bộ óc siêu việt trong mọi lĩnh vực. Sẽ có hàng triệu việc làm khác được tạo ra nhờ cuộc cách mạng số, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc của VNG, phụ trách mảng Cloud Services, khoảng 97% số doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đều e ngại “chuyển đổi số”. Có những lý do như: cách mạng 4.0 tạo tiền đề cho những thay đổi và cải tiến, đồng nghĩa với một môi trường kinh doanh khó dự đoán hơn; công nghệ thịnh hành ngày hôm qua có thể không còn phù hợp trong ngày mai. Mỗi quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ đều đòi hỏi năng lực tài chính vững mạnh, thứ mà hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có. Cuối cùng, nhân sự cũng là vấn đề nan giải khi lực lượng lao động đủ trình độ để quản lý và vận hành công nghệ không dễ chiêu mộ.

Ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG, cũng chia sẻ: Có thể hiểu CMCN 4.0 sẽ thay đổi to lớn và nhanh chóng về công nghệ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, tuy nhiên các bạn trẻ Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng với 4.0, thể hiện qua tỷ lệ người thực sự học và đam mê tìm hiểu những công nghệ mới như AI, biotechnology ở nước ta còn tương đối thấp. Mọi người nên nhìn vào những cơ hội của 10 - 20 năm tới thay vì chỉ nhìn 3 - 5 năm. Chẳng hạn như AI chỉ mới đang bắt đầu hình thành thì các bạn trẻ có thể chọn đó như một xuất phát điểm tốt cho sự nghiệp 10 - 15 năm tới.

Chính phủ đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy tăng cường tiếp cận cơ hội của CMCN 4.0 ngay khi mới bắt đầu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Điều quan trọng là các bộ ngành phải nhanh chóng vào cuộc, có hành động cụ thể nhằm tạo được sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông; phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cập cơ hội phát triển nội dung số. Nói như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT: Một khi chúng ta có tinh thần chủ động, dám thử cái mới, có đủ dũng khí và dám dấn thân với một thái độ cởi mở, không còn thử thách nào khiến chúng ta chùn bước. Chúng ta phải tranh thủ tận dụng tốt thời cơ của CMCN 4.0 khi tạo nên một môi trường kinh doanh cởi mở, có chính sách hỗ trợ phù hợp thực tiễn, có chuẩn bị tốt về đào tạo nguồn lao động chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục