Tiền ảo và khoảng trống pháp lý- Bài 2: Mù mờ và đầy nguy cơ

Khi mới xuất hiện, giá một Bitcoin quy đổi chỉ bằng phần lẻ của đồng USD. Sau 9 năm, một đồng USD đã có giá bằng một phần rất nhỏ của một Bitcoin. Thế nên, không thể trách người người, nhà nhà xem tiền ảo như là một lĩnh vực đầu tư.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ đang có những cách ứng xử khác nhau đối với tiền ảo. Riêng với Việt Nam, tuy pháp luật cấm các hành vi liên quan đến tiền ảo, song còn đó những khoảng trống pháp lý mà các cơ quan chức năng cần cân nhắc thấu đáo, chứ không phải “khó thì cấm”. 
Tiền ảo và khoảng trống pháp lý- Bài 2: Mù mờ và đầy nguy cơ ảnh 1 Ghi nhận giá giao dịch tiền ảo trong ngày 27-4. Ảnh: BÁ TÂN
 Quá nhiều rủi ro 
Ngày nay, sự phát triển ồ ạt của các loại tiền ảo cho thấy đây không còn là sân chơi của một bộ phận, tổ chức hay cá nhân nào đó. Đằng sau tiền ảo là cả một ngành công nghiệp, với một đội ngũ đào Bitcoin khắp thế giới, hàng triệu triệu sàn giao dịch lớn nhỏ cùng những quy định cứng trong trao đổi, mua bán, thanh toán tiền ảo. Trong số đó, sàn tiền ảo đang nổi lên thành một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ cơn sốt tiền của các đồng tiền số. Ước tính dựa vào khối lượng giao dịch và mức phí của tốp 10 sàn tiền ảo lớn nhất thế giới, mỗi sàn thu tới 3 triệu USD phí giao dịch trong một ngày, tương đương khoản thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Song đáng lo hơn là dấu hiệu thao túng thị trường tiền ảo. Từng có cảnh báo rằng, 100 người nắm giữ Bitcoin nhiều nhất đang kiểm soát 17,3% tổng số Bitcoin toàn thế giới. Nhờ thế, họ có thể thao túng giá để làm giàu theo ý muốn. Thị trường tiền ảo Việt Nam hầu hết là nhà đầu tư nhỏ hoặc siêu nhỏ, tất yếu bị điều chỉnh bởi thị trường tiền ảo quốc tế.
Đã là một ngành công nghiệp số nên hệ lụy của nó cũng đi kèm, không chỉ tiền thật bị bốc hơi vì tiền ảo lao dốc do đầu tư sai, do bị hacker…, mà còn do bị lừa đảo. Cuối tháng 2-2018, Công ty bảo mật CyRadar  phát hiện một trường hợp đầu tư vào tiền ảo ở Việt Nam bị lừa mất số tiền lên đến 350.000 USD, tương đương 8 tỷ đồng. Nạn nhân (quê Nha Trang) ban đầu nhận được một email giả mạo sàn CoinDesk, khi đọc thêm thông tin, nạn nhân bị chuyển sang một liên kết lừa đảo mang tên coindẹsk.com (chữ e có dấu nặng), là một tên miền dạng Unicode để đăng ký cho địa chỉ thật xn--coindek-873c.com. Tại đây, trang này đưa ra lời đề nghị đầu tư hấp dẫn, sinh lời cao. Sau đó, nạn nhân tiếp tục bị dụ dỗ truy cập vào một địa chỉ giả mạo trang MyEtherWallet, cung cấp các thông tin bảo mật nên kẻ gian nắm được toàn quyền sử dụng ví chứa tiền mã hóa của người này. Khi nạn nhân chuyển tiền để mua coin và chứa vào ví này, kẻ gian đã ôm trọn số tiền nói trên. 
Trên thế giới, đã có không ít vụ lừa đảo tiền ảo được phát hiện khi đã quá muộn, sàn giao dịch bị sập, hàng trăm triệu USD của nhà đầu tư bốc hơi không rõ nguyên nhân.
Quản hay cấm?
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật…
Song song đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo; phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.
Giống như Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc đều thực hiện thắt chặt điều chỉnh với tiền ảo. Hai nước này ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với hoạt động ICO tiền ảo; thắt chặt hoạt động giao dịch với tiền kỹ thuật số và tăng kiểm soát với những kẻ ẩn danh đang lạm dụng thị trường. Những người giao dịch bitcoin ở Hàn Quốc phải khai báo với chính quyền hoặc đối mặt với truy tố hình sự. Trong khi Trung Quốc đang phát triển đồng tiền ảo riêng, được kiểm soát và điều chỉnh bởi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Trong khi đó, một số nền kinh tế có thị trường tài chính phát triển như Hồng Công, Singapore, Nhật Bản… lại cởi mở hơn với tiền ảo. Họ nhanh chóng đưa ra các quy định tạo thuận lợi cho việc mua bán tiền ảo. Đây cũng là những quốc gia, vùng lãnh thổ có những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) cũng đã quy định, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, các hành vi bị cấm theo nghị định bao gồm: Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Qua đó khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. 
Các chuyên gia tài chính lý giải, hiện nay, hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam còn ở giai đoạn đang phát triển, các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, bảo mật chưa mạnh nên thả nổi thị trường tiền ảo sẽ có hại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ở mặt nào đó, dù bị cấm, thị trường tiền ảo trong nước vẫn đang lưu thông, sinh lời chạy xuyên suốt trên hệ thống mạng toàn cầu. 
Nghĩa là Việt Nam cũng không thể đi ngược lại với xu thế khi loại bỏ hoàn toàn tiền ảo khỏi các giao dịch quốc tế. Vậy thì trong tương lai, Việt Nam cần có quy định quản lý rõ ràng theo tính chất, đặc điểm, thuộc tính riêng của loại tiền này. Mục tiêu cao nhất vẫn là ngăn chặn các hệ lụy nguy hiểm như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm; hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo gây ảnh hưởng xấu đến xã hội... 

Tin cùng chuyên mục