Tiềm năng cổ phiếu KSB

KSB được đánh giá là một trong những doanh nghiệp khai khoáng có tình hình tài chính lành mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Dù hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định và nhưng cổ phiếu của Công ty CP Khoáng sản Bình Dương (KSB) vẫn chịu sức ép giảm giá do tác động của thị trường chung. Mức tham chiếu của KSB trong phiên giao dịch ngày hôm nay (25-12) là 26.000 đồng/CP được cho mức giá khá hấp dẫn với doanh nghiệp nằm trong Top 200 doanh nghiệp hiệu quả nhất châu Á.

Top 200 doanh nghiệp hiệu quả nhất châu Á

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 200 doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên từ 24.000 doanh nghiệp (108 ngành nghề) có doanh thu dưới 1 tỷ USD kinh doanh hiệu quả nhất châu Á.

Chiếm hơn một nửa trong danh sách này là các công ty đến từ Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan. Đáng chú ý, có 3 doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách này bao gồm: CTCP Vicostone (VCS) và CTCP Tư vấn kỹ thuật điện 2 (TV2) và KSB.

Trong số 3 doanh nghiệp của Việt Nam lọt Top 200, KSB đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng trong những năm gần đây. Cụ thể, doanh thu năm 2015 đạt 738 tỷ đồng (tăng 18% so với năm trước đó là 624 tỷ đồng). Năm 2016 cũng đạt mức tăng trưởng 15% doanh thu so với năm 2015, đạt 850 tỷ đồng. Riêng năm 2017 doanh thu lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ đồng với 1.122,8 tỷ đồng (tăng trưởng 29% so với năm 2016).

Tiềm năng cổ phiếu KSB ảnh 1 KSB vừa được xếp vào Top 100 Sao vàng Đất Việt năm 2018 và 2 năm liên tiếp được Forbers vinh danh Top 200 doanh nghiệp dưới 1 tỷ USD tốt nhất Châu Á
Xét về lợi nhuận, nếu năm 2015 đạt trên 125,3 tỷ đồng thì năm 2016 tăng trưởng 64% (đạt gần 206 tỷ đồng) và tiếp tục tăng trưởng 35% trong năm 2017 (đạt trên 277 tỷ đồng).

Năm 2017, tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 25,3% và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 39,7%. Chỉ số sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 23,1% tăng mạnh so với năm 2016, chỉ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) cũng tăng mạnh so với năm trước lên mức cao 40,5%.

Tài chính lành mạnh

Năm 2017, nguồn vốn chủ sở hữu của KSB đạt 758,4 tỷ đồng (tăng 24,5% so với năm trước và chiếm 53% tổng nguồn vốn). Mức sinh lời đã giúp khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 245 tỷ đồng (tăng 98,5% so với năm 2016).

Đặc biệt, KSB được đánh giá là một trong những doanh nghiệp khai khoáng có tình hình tài chính lành mạnh trên TTCK. Tính đến hết cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của KSB ở mức 672,1 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ dài hạn với 534,5 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn chỉ chiếm tỷ trọng 20,5% (đạt 137,7 tỷ đồng).

Đáng nói là KSB không sử dụng nguồn vốn vay. Đây là yếu tố giúp cho KSB không phải gánh chịu áp lực từ lãi vay và dễ dàng huy động vốn cho các dự án đầu tư mở rộng trong tương lai khi cần thiết.

Các chỉ số gia tăng cho thấy tình hình tài chính vững mạnh và khả năng huy động vốn để đáp ứng cho các nhu cầu sản xuất kinh doanh của KSB. Cụ thể, khả năng thanh toán hiện hành và khả năng thanh toán nhanh lần lượt là 5,0 lần và 4,6 lần. Chỉ số thanh toán tiền mặt tăng vọt lên mức 2,3 lần. Các chỉ số thanh toán vượt xa mức 1 lần cho thấy KSB hoàn toàn có thể đáp ứng được các nghĩa vụ nợ trong ngắn hạn.

Hoạt động cốt lõi hiệu quả

Theo ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc KSB, dù có được những điều kiện thuận lợi, từ nguồn vốn cho đến kinh nghiệm để phát triển thành tập đoàn đa ngành, nhưng KSB vẫn kiên  trì theo đuổi ngành kinh doanh cốt lõi là khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng.

“Bên cạnh tập trung vào việc khai thác tốt các mỏ hiện hữu, công ty sẽ đẩy mạnh chiến lược M&A các mỏ mới. Mục tiêu trong 5 năm tới KSB là chiếm 60% thị phần của ngành khai thác đá cả nước", ông Đạt khẳng định.

Với chiến lược dài hơi này, KSB đã chi ra hơn 25 tỷ đồng để mua lại 30% cổ phần của CTCP Phú Nam Sơn, chủ sở hữu mỏ đá Gò Trường (Thanh Hoá). Đây là mỏ đá nằm gần khu kinh tế Nghi Sơn đang được đầu tư lớn với nhà máy lọc dầu đang xây dựng và nhà máy xi măng đang hoạt động.

Mỏ có trữ lượng ước khoảng 10 triệu m3 đá nguyên khối và có thể mang lại doanh thu trên 150 tỷ đồng/.năm. Ngoài ra, KSB còn chi 14 tỷ đồng để sở hữu 70% mỏ Bãi Giang (Nghệ An). Mỏ đá này có trữ lượng khoảng 5 triệu m3 đá nguyên khối và doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm .

Theo KSB, đây là 2 mỏ đá chiến lược, có thể mang lại doanh thu cao cho KSB so với tổng mức đầu tư. Việc đầu tư vào hai mỏ đá mới nằm trong chiến lược của công ty trở thành đơn vị dẫn đầu ngành khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, KSB đang thực hiện đánh giá lại trữ lượng và rà soát thủ tục pháp lý các mỏ đá tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó có thể mở rộng đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản ở khu vực Đông Nam Bộ.

Trong số các mỏ đá của KSB, Tân Đông Hiệp (Bình Dương) được xem như ‘gà đẻ trứng vàng’, đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong những năm gần đây. Đầu tháng 9 vừa qua, KSB chính thức nhận được giấy phép gia hạn khai thác mỏ Tân Đông Hiệp đến ngày 31-12-2019.

Theo đó, KSB được khai thác trên diện tích 228.158,5 m2, trữ lượng địa chất đá xây dựng còn lại hơn 5,27 triệu m3, trữ lượng được khai thác 4,68 triệu m3, công suất khai thác 2,34 triệu m3.

Việc nhận được giấy phép gia hạn tại mỏ đá Tân Đông Hiệp được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2018 và cả năm 2019.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2018, cổ đông của KSB đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với doanh thu ở mức 1.168 tỷ đồng và lợi nhuận ở mức 400 tỷ đồng. Đặc biệt, HĐQT của KSB cam kết với cổ đông sẽ chia cổ tức năm 2018 ở mức 20-28%.

Với việc theo đuổi chiến lược tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, KSB luôn nỗ lực để duy trì vòng quay tổng tài sản trong những năm gần đây (hiện đang ở quanh mức 0,9 lần).

Tin cùng chuyên mục