Thụy Sỹ tài trợ 365.000 Franc giúp Việt Nam sản xuất lúa

Để giúp Việt Nam hoàn thiện giai đoạn cuối của dự án theo dõi, sản xuất lúa bằng công nghệ viễn thám, quan sát thiên tai lũ lụt, giảm thiểu chi phí... chiều nay 17-7, Đại sứ Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam đã ký kết tài trợ 365.000 Franc Thụy Sỹ để giúp Việt Nam triển khai giai đoạn cuối dự án này. 

Chiều 17-7, tại Hà Nội, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và bà Beatrice Maser, Đại sứ Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam đã cùng ký một thỏa thuận tài trợ vốn cho Việt Nam để thực hiện giai đoạn 3 dự án sử dụng thông tin viễn thám và bảo hiểm nông nghiệp trong sản xuất lúa, với tên viết tắt bằng tiếng Anh là RIICE. Thời gian thực hiện trong 24 tháng tới.

Lễ ký thỏa thuận giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ tại Hà Nội chiều 17-7

Theo đó, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ (SDC) sẽ đóng góp 365.000 Franc Thụy Sỹ, tương đương 82% tổng giá trị dự án, để giúp Việt Nam thực hiện những bước cuối cùng nhằm thể chế hóa và tích hợp RIICE vào hệ thống theo dõi canh tác và sản xuất lúa chính thức của Bộ NN-PTNT. Phía Bộ NN-PTNT sẽ đóng góp 18% kinh phí dự án.

Bộ NN-PTNT cho biết, kể từ năm 2013, SDC đã hỗ trợ thực hiện dự án RIICE tại các nước sản xuất lúa gạo chính trong khu vực như Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Trong giai đoạn 1 và 2, các đối tác nước ngoài và trong nước đã thực hiện thử nghiệm và hiệu chỉnh các thông số. Tại Việt Nam, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp và Đại học Cần Thơ đã thực hiện đo đạc, xác thực tại hiện trường, cũng như xử lý số liệu tại 2 vựa lúa chính của Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.    

Bà Beatrice Maser cho biết, với công nghệ này, các cơ quan trong ngành nông nghiệp có thể tiếp cận số liệu chính xác, khách quan và kịp thời; qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, và nhất là tăng cường công tác quản lý rủi ro thiên tai.

Dự án “Thông tin viễn thám và bảo hiểm nông nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi” sử dụng tín hiệu vệ tinh miễn phí để cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan như: bản đồ, số liệu về diện tích lúa, năng suất lúa… Thông qua các số liệu này, các cơ quan liên quan có thể dễ dàng theo dõi thực trạng sản xuất lúa. Các bản đồ theo dõi thiên tai như: hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn sẽ giúp nông dân và chính quyền địa phương phản ứng kịp thời và hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục