Thương mại Việt Nam - EU: Có cơ hội nhưng tận dụng không dễ

Sáng 30-7, tại TPHCM, Bộ Công thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU với chủ đề “EVFTA - chân trời mới hợp tác rộng lớn toàn diện”, thu hút sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp (DN), các sở ban ngành, hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối, logistics và đầu tư của EU và Việt Nam. 
Quang cảnh diễn đàn thương mại Việt Nam – EU
Quang cảnh diễn đàn thương mại Việt Nam – EU
Thuế suất giảm nhưng rào cản kỹ thuật tăng
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, trong vòng 18 năm, giá trị thương mại Việt Nam- EU tăng hơn 13 lần, từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 55,84 tỷ USD vào 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỷ USD. Các mặt hàng như dệt may, da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản… sẽ có rất nhiều lợi thế do có đến hơn 75% số dòng thuế về 0%.
Trong lộ trình 7 năm tới, số dòng thuế về 0% lên đến hơn 99%. Trong khi đó, nếu không có EVFTA, mức thuế suất mà hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đang phải chịu là 5-22%. Đồng thời, đến 6 tháng năm 2019, đầu tư trực tiếp từ EU (27 nước và vùng lãnh thổ) vào Việt Nam là 3.205 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 53.1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhiều DN, EVFTA không phải là thảm đỏ. Lợi thế từ FTA về thuế suất cho hàng hóa xuất khẩu rất rõ, nhưng để hưởng thuế suất ưu đãi phải đáp ứng những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật của thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, đại diện Công ty Song Nam chuyên xuất khẩu nông sản, cho rằng, rào cản nông sản xuất vào EU là ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật. DN xuất khẩu không được cập nhật cũng như hỗ trợ đầy đủ, thường xuyên về những tiêu chuẩn kỹ thuật thay đổi của châu Âu. Trong khi đó, người nông dân trong nước chưa được hỗ trợ sản xuất sạch đúng với chuẩn xuất khẩu. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật lại không được kiểm chứng. Do đó, rất nhiều trường hợp DN khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu nhưng vướng rào cản kỹ thuật, buộc phải tiêu hủy. Nhiều lúc chi phí tiêu hủy còn lớn hơn giá trị của lô hàng xuất khẩu.

Ở góc độ khác, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may và Thêu đan TPHCM, cho biết thêm, đối với sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực dệt may, da giày, muốn được hưởng lợi thế thuế suất phải đáp ứng quy tắc xuất xứ nguyên liệu nội địa. Thế nhưng, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng 40%- 45% nhu cầu sản xuất của DN, phần còn lại phải nhập khẩu. Hiện DN cũng đang đẩy mạnh liên kết chuỗi với Hàn Quốc để tăng tỷ lệ cộng thêm nguyên liệu sản xuất nội khối, về lâu dài vẫn phải chủ động sản xuất trong nước.

Cam kết duy trì lợi thế của doanh nghiệp EU

EVFTA là một trong những hiệp định được trông chờ lớn nhất và tác động tích cực ngay đến nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế EVFTA, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu, DN trong nước cần thiết phải đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Công nghệ hiện đại sẽ tạo ra môi trường và sản phẩm tốt. Với nội lực DN trong nước hiện nay, cần phải có chiến lược đầu tư dài hơi và chấp nhận đầu tư từng phần. 

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam, thành viên đoàn đàm phán EU, nhấn mạnh, các DN phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của EU. Muốn làm được vậy, nhất thiết phải nâng cấp chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm Việt Nam phải chứng minh được sản phẩm ưu thế cạnh tranh và uy tín thương hiệu so với sản phẩm của các quốc gia khác cũng đang xuất khẩu vào thị trường EU.

Chính phủ Việt Nam, ngoài đẩy mạnh thu hút doanh doanh nghiệp đầu tư bù đắp khoảng trống thiếu hụt về nguồn nguyên liệu, cần phải nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh cũng như điều hành, quản lý thị trường. Đặc biệt, phải tuân thủ cam kết mở cửa và cho phép DN nước ngoài tăng tỷ lệ góp vốn và sở hữu vốn đầu tư các dịch vụ ngân hàng, cảng biển, logistics… Đồng thời, cho phép DN EU tăng tỷ lệ tham gia vào hoạt động mua sắm công từ cấp trung ương, địa phương, ngành. 

Đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, EU đã công nhận 36 mặt hàng có bảo hộ chỉ dẫn địa lý của VN. Ngược lại, Việt Nam cần tuân thủ và công nhận hoàn toàn 160 thương hiệu sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sản phẩm của EU. 

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam và chúng tôi sẽ tiếp tục làm để đảm bảo giúp DN Việt Nam áp dụng FTA. Tài liệu hướng dẫn này chúng tôi đã làm từ 2016 và mới được cập nhật lại. DN có thể liên hệ Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn”- bà Miriam Garcia Ferrer khẳng định.

Tin cùng chuyên mục