Thương lượng và linh hoạt

Ngày 17-5, tại thủ đô Washington, tiếp tục diễn ra vòng đàm phán thứ hai về thương mại nhằm tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng trong quan hệ thương mại gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong thời gian qua. 
(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)
Cuộc họp lần này tiếp nối vòng đàm phán diễn ra hai tuần trước đó tại Bắc Kinh và hai bên đang cố gắng tránh một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Căng thẳng thương mại giữa hai bên đã leo thang trong mấy tuần gần đây, với những lời đe dọa đánh thuế trị giá hàng chục tỷ USD đối với sản phẩm của nhau. Hãng THX dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, ngày 17-5 cho biết, nước này đang chủ động tìm kiếm các giải pháp thỏa đáng cho bất đồng thương mại với Mỹ. Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vừa qua đã có tiến bộ nhất định, song cũng thừa nhận là hai bên còn khác biệt về một số vấn đề. Hiện bất đồng lớn nhất vẫn chủ yếu tập trung vào yêu cầu của Mỹ muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ 200 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời giảm thuế đối với tất cả các sản phẩm xuống mức không cao hơn mức Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng đề xuất này là không công bằng. 

 Tuy nhiên, trước thềm cuộc đàm phán lần này, theo giới quan sát, Washington đã có sự nhượng bộ đối với Bắc Kinh khi hồi cuối tuần qua, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sớm đưa hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc - vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ - nhanh chóng trở lại hoạt động kinh doanh. 

Nếu như trước đây, nhiều nhà phân tích cho rằng tình thế “bên bờ vực” chiến tranh thương mại là nằm trong chủ ý của Mỹ để từ đó Washington có lợi thế mặc cả hơn trong các cuộc đàm phán, thì động thái mới nhất của Nhật Bản lại là một bất lợi cho Mỹ. Ngày 17-5, đài truyền hình NHK đưa tin, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch trong tuần này thông báo với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kế hoạch áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ có tổng trị giá 409 triệu USD nhằm đáp trả việc Washington gần đây tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Các mức thuế Nhật Bản dự định áp đặt với hàng xuất khẩu của Mỹ có trị giá tương đương các mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản. Giới phân tích nhận định động thái trên có thể là một phần trong các nỗ lực của Tokyo để Washington đưa Nhật Bản vào danh sách các nước được miễn áp dụng các mức tăng thuế của Mỹ. Như vậy, trong những tranh cãi thương mại giữa Mỹ và các đối tác như Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Nga xoay quanh các mức thuế mới mà Washington công bố áp đặt đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, nay có thể có thêm Nhật Bản - quốc gia đồng minh duy nhất của Mỹ không được miễn trừ trong quyết định thuế mới đây của Tổng thống Donald Trump.

Giới phân tích hy vọng kế hoạch của Nhật là bước đi giúp Washington không quá căng trong cuộc đàm phán với Bắc Kinh lần này. Cam kết với ZTE được xem là tín hiệu của Tổng thống Trump muốn gửi tới Trung Quốc rằng mọi vấn đề đều có thể thương lượng và linh hoạt. Cùng lúc, Mỹ cũng không muốn đối đầu với nhiều đối thủ trên một mặt trận, trong đó có cả đồng minh là Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục